Doanh nghiệp Nghệ An hiểu gì về CPTPP
Tổng cục Thuế giải đáp hàng loạt câu hỏi về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / Hải quan sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức đa dạng
Theo đó, "CPTPP góp phần đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững", đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tác động của CPTPP
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP- Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) chính thức được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 nền kinh tế tham gia, gồm: Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, tại Thủ đô Santiago, Chile. Hiệp định này có hiệu lực sau 60 ngày khi được ít nhất 6 nước thành viên thông qua, gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Úc và Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.
CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tạo nên một khu vực kinh tế tự do có quy mô lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới là Nhật Bản. Khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trang trại bò sữa TH.
Việc tham gia CPTPP còn là cơ hội để Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư; tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước; cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico và là "cú huých" cho kinh tế tư nhân phát triển. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỉ USD, hơn 4 tỉ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, Hiệp định CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới, là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường đầy tiềm năng ở châu Mỹ, nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra chính tại thị trường trong nước trong khi khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn chưa thực sự tốt. Chúng ta sẽ phải chấp nhận sự hiện diện của hàng hóa lẫn dịch vụ của các nước đối tác, điều đó đồng nghĩa với việc hàng hóa và các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt ngay chính tại sân nhà và nguy cơ thất bại là hiện hữu nếu như các doanh nghiệp không tự đổi mới, thích nghi với môi trường mới.
Doanh nghiệp Nghệ An cần phải làm gì?
Lợi ích to lớn và những tác động tích cực lẫn rủi ro của CPTPP đối nền kinh tế Việt Nam thì đã rõ, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng cần phải làm gì và làm như thế nào để "đón nhận" một Hiệp định có quy mô và ảnh hưởng như Hiệp định CPTPP?
Nghệ An là một tỉnh lớn với hơn 3 triệu dân và 19 nghìn doanh nghiệp, trên 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không ít trong số đó đang "sống dở, chết dở" thì việc các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ Hiệp định một cách có hiệu quả đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng to lớn lớn. Theo người viết bài này, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An chú trọng vào những vấn đề sau:
Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ thông tin về Hiệp định nhằm nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường mà đối tác quan tâm, chú trọng về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những sản phẩm mà địa phương đang có thế mạnh và sức cạnh tranh lớn, có tiềm năng xuất khẩu, như: Dệt may, chế biến khoáng sản, tôn lợp, xi măng, chế biến hoa quả, thủy hải sản, tinh bột sắn, gạo, lạc nhân, cà phê, cam, chanh leo, dứa...
Cụ thể, các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Gạo cũng được hưởng thuế suất 0% và có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Với thị trường mới như Mexico, xuất khẩu gạo khoảng 70.000 tấn/năm sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, các mặt hàng như cà phê, chè, hạt tiêu cũng sẽ được hưởng mức thuế suất 0%...
Ngoài ra, dệt may, cao su, hóa chất, dược phẩm cũng sẽ là những nhóm ngành được hưởng lợi; các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách làm ăn chuyên nghiệp và có chiến lược rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, các vấn đề như chống tham nhũng, minh bạch trong cạnh tranh cũng như các điều kiện về phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường cần phải được chú trọng; các điều khoản bắt buộc khác phải làm là cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, công đoàn cũng như thực thi đầy đủ Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã tham gia. Đây cũng chính là những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Chính quyền phải đồng hành cùng doanh nghiệp
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong Dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở Công Thương là: chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời, cung cấp thông tin, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế".
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã tập trung vào nhiều nhiệm vụ khác như: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia; công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.
Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng đã được UBND tỉnh đưa vào Dự thảo một cách cụ thể. Qua đó, chúng ta thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh nhà trước một Hiệp định rất quan trọng này để CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; sự vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ; sự theo dõi, đôn đốc của UBND tỉnh cùng sự hỗ trợ của VCCI và các tổ chức đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song song, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, thiệu năng; tinh giản biên chế, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công viên chức, có trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp.
Hơn hết, các doanh nghiệp cần nhạy bén, sáng tạo, chủ động nắm bắt được những cơ hội từ Hiệp định CPTPP để chuẩn bị một tâm thế cạnh tranh mới trong khu vực lẫn quốc tế, đón nhận những rủi ro, thách thức nếu có, vì biết đâu, đó lại chính là cơ hội tốt, là bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo