Hỗ trợ doanh nghiệp

Tổng cục Thuế giải đáp hàng loạt câu hỏi về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

DNVN - Trong chuỗi chương trình hỗ trợ trực tuyến về quyết toán thuế năm 2018 trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, chiều 14/3, Tổng cục Thuế đã có buổi giao lưu trực tuyến về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó đã giải đáp hàng loạt câu hỏi liên quan đến nội dung quan trọng này.

CPTPP: Hỗ trợ SMEs Canada muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam / 2 tháng đầu năm 2019: Doanh nghiệp dệt may và da giày tăng trưởng mạnh

Quang cảnh buổi giao lưu về quyết toán thuế TNDN. (Ảnh: TCT)

Quang cảnh buổi giao lưu về quyết toán thuế TNDN. (Ảnh: TCT)

Người nộp thuế đã được Lãnh đạo và chuyên viên của các Vụ Chính sách, Vụ Kê khai, Cục CNTT, Vụ Thủ tục hoàn thuế trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến những vướng mắc trong chính sách thuế về thu nhập doanh nghiệp.
Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp xin phép trích đăng 10 câu hỏi và trả lời trong buổi giao lưu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp này:
Câu hỏi 1:
Đơn vị em đã nộp số thuế 318.404.300 đồng nhưng khi nhập lên HTKK thì nhân với thuế suất thì số thuế phải nộp là 318.404.322 đồng như vậy là đơn vị đã nộp thiếu 22 đồng do làm tròn. Em xin hỏi các anh chị cách khắc phục. Em có thể nhập trực tiếp trên HTKK là 318.404.300 ở chỉ tiêu E1 được không hoặc em không sửa chỉ tiêu E1 mà không nộp 22 đồng thì có sao không? Xin a/c chỉ cho em cách khắc phục tốt nhất và đơn giản nhất?
Tổng cục Thuế trả lời:
Hiện tại ứng dụng HTKK cho phép NNT tự nhập dữ liệu chỉ tiêu E1 - Thuê TNDN từ họat động sản xuất kinh doanh.
Truờng hợp Anh/Chị kê khai trên tờ khai 03/TNDN số thuế phải nộp là 318.404.322 đồng thì Anh/Chị phải nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế là 318.404.322 đồng.

Câu hỏi 2:
Cty em có phát sinh khoản tiền đặt cọc 6 tháng thuê nhà xưởng bằng ngoại tệ khoản tiền này sau khi hết thời gian thuê 5 năm sẽ được bù trừ vào tiền thuê của kỳ cuối cùng. Vậy cho em hỏi hàng năm đánh giá lại khoản đặt cọc này cho vào 413 rồi kết chuyển sang 515 nếu có lãi để tính thuế TNDN có đúng không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Bạn tìm hiểu quy định của Ngân hàng Nhà nước về giao dịch bằng ngoại tệ tại Việt Nam để thực hiện việc đặt cọc tiền thuê nhà xưởng theo đúng quy định của Pháp luật.
Câu hỏi 3:
Hết năm tài chính công ty kinh doanh có lãi và quyết định chi thưởng cho người lao động của công ty. Vậy điều kiện như thế nào và cần những chứng từ gì để được ghi nhận là chi phí được trừ của doanh nghiệp trong năm?
Tổng cục Thuế trả lời:
Căn cứ quy định tại điểm 2.6 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, về nguyên tắc doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi thưởng chi trực tiếp cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và khoản chi thưởng này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Việc xử lý cụ thể cần căn cứ quy định của pháp luật, thực tế phát sinh của doanh nghiệp và phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh để xuất trình với cơ quan thuế khi được yêu cầu.
Câu hỏi 4:
Doanh nghiệp đầu tư dự án mới có được giảm thuế suất thuế TNDN không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Theo quy định của Luật thuế TNDN thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn ưu đãi đầu tư (là điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao) và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong các lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi quy định tại Luật thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Vì vậy, doanh nghiệp bạn căn cứ thực tế đáp ứng các điều kiện ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN để áp dụng phù hợp.
Câu hỏi 5:
Trong tờ khai GDLK-01 Mục số IV Kết quả sản xuất kinh doanh sau khi xác định giá giao dịch liên kết Điểm 1 Dành cho người nộp thuế ngành sản xuất thương mại dịch vụ STT 8 Doanh thu hoạt động tài chính 81, trong đó Doanh thu lãi tiền vay Câu hỏi Điểm này có kê khai lãi tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Theo Phụ lục 02 Hướng dẫn mẫu số 01 thông tin quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (ban hành kèm theo TT số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017) có hướng dẫn cụ thể như sau:
Chỉ tiêu "Doanh thu lãi tiền vay": Ghi giá trị tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay tính vào doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.
Vậy chỉ tiêu này chỉ kê khai các khoản lãi từ hoạt động cho vay, không kê khai các khoản lãi tiền gửi ngân hàng.
Câu hỏi 6:
Công ty đang trong giai đoạn đầu tư dự án không có hoạt động kinh doanh nào khác Trong GĐ đầu tư 2-3 năm phát sinh chi phí lãi vay đồng thời cũng phát sinh lãi tiền gửi từ vốn nhàn rỗi của các cổ đông do tăng vốn. Xin hỏi trường hợp lãi tiền gửi lớn hơn lãi tiền vay thì phần chênh lệch Công ty có được giảm chi phí đầu tư trong kỳ hay không? Nếu không thì sẽ tính vào đâu?
Tổng cục Thuế trả lời:
Xin chào bạn, vấn đề bạn hỏi đã được quy định rõ tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN. Đề nghị bạn nghiên cứu quy định tại điểm 2.31 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và căn cứ thực tế của đơn vị để áp dụng phù hợp.
Câu hỏi 7:
Công ty tôi CBCNV làm việc từ 1 năm trở lên khi tổ chức đám cưới theo quy chế được tặng 1 chỉ vàng, nhưng quy ra tiền mặt theo giá thời điểm có được tính chi phí hợp lý không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động.
Như vậy, về nguyên tắc, trường hợp doanh nghiệp có phát sinh khoản chi phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, có đầy đủ chứng từ thanh toán theo quy định, mức chi theo đúng quy chế, quy định của Công ty và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ.
Việc xử lý cụ thể cần căn cứ quy định của pháp luật, thực tế phát sinh của doanh nghiệp và phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh để xuất trình với cơ quan thuế khi được yêu cầu.
Câu hỏi 7:
Năm 2018, công ty tôi thanh tra thuế của năm 2015 sau khi thanh tra thuế năm 2015 có quyết định giảm lỗ 10 triệu vào quyết toán thuế cuối năm Năm 2013 2014 công ty tôi bị lỗ Vậy khoản giảm lỗ 10 triệu sẽ giảm của 2013 hay 2014
Tổng cục Thuế trả lời:
Do nội dung câu hỏi của bạn chưa rõ, chúng tôi xin trả lời nguyên tắc về chuyển lỗ như sau: Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ (quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính).
Câu hỏi 8:
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 78 quy định “Điều 5 Doanh thu b Đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng. Công ty kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Khi công ty làm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trên phụ lục kết quả hoạt động kinh doanh 03-1A/TNDN công ty kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp phải nộp vào chỉ tiêu số 08 “Thuế tiêu thụ đặc biệt thuế xuất khẩu thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp phải nộp”. Như vậy doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp không bao gồm thuế giá trị gia tăng vì đã được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp có đúng không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 78 thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.
Khi kê khai Phụ lục 03-1A/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN thì Công ty anh/chị kê khai số thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp phải nộp tương ứng với doanh thu phát sinh trong kỳ tính thuế vào chỉ tiêu số [07] - Thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.
Câu hỏi 9:
Công ty tôi thành lập từ dự án đầu tư A trong khu công nghiệp. Theo đó, chúng tôi được miễn thuế 2 năm và giảm 4 năm theo địa bàn. Tuy nhiên, dự án này chúng tôi mua lại của 1 công ty B thuộc khu công nghiệp và có đầu tư thêm máy móc thiết bị Công ty B đã hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn miễn 2 năm. Vậy chúng tôi có được miễn thuế tiếp 2 năm theo giấy chứng nhận đầu tư không hay thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN phải trừ đi thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN mà công ty A đã hưởng?
Tổng cục Thuế trả lời:
- Việc kế thừa ưu đãi thuế TNDN do chuyển đổi dự án đầu tư nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại điểm 5 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN.
- Việc ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng được quy định tại điểm 5 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN.
Đối với trường của bạn cần căn cứ hồ sơ cụ thể liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để xác định thuộc trường hợp nào trên cơ sở đó xác định ưu đãi thuế TNDN cho phù hợp.
Câu hỏi 10:
Điều 2 Nghị Định 146/2017 - Các khoản chi của Công ty mua bảo hiểm tai nạn bảo hiểm y tế bảo hiểm đi lại bao gồm cả trường hợp chết cho nhân viên có bị tính chung trong giới hạn 3000000 đồng này không? Nếu không có giới hạn nào khác không?
Tổng cục Thuế trả lời:
Tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: khoản chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động). Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xử lý cụ thể cần căn cứ quy định của pháp luật, thực tế phát sinh của doanh nghiệp và phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh để xuất trình với cơ quan thuế khi được yêu cầu.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm