Hiệp định CPTPP

Doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều rào cản sau những lợi thế của CPTPP

DNVN - Đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, nguồn lực hạn chế, hay thiếu thông tin về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... được coi là những rào cản không nhỏ khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi thế của hiệp định này.

Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực / "Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là lời cảnh tỉnh lớn với Mỹ"

Xung lực lớn cho xuất khẩu
Tại Tọa đàm "Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam" do Báo Công Thương tổ chức sáng 28/7 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, các hiệp định thương mại tự do nói chung và hiệp định CPTPP nói riêng đã có đóng góp rất tích cực trong việc hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như thêm nguồn cung nhập khẩu.
Trong đó, CPTPP tạo ra xung lực rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 19%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã có tác động sâu sắc đến hoạt động kinh tế thế giới.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, CPTPP đã tạo xung lực lớn cho xuất khẩu.
Nói rõ hơn về hiệu quả của CPTPP đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin: Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng 44,5% so với năm 2020 và 104% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Peru, tuy mới phê chuẩn hiệp định vào năm 2021 cũng đạt 560 triệu USD, tăng trưởng 84,4% so với năm 2020. Còn Chile, tuy chưa phê chuẩn hiệp định, cũng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 62,7% so với năm 2020.
Rào cản với doanh nghiệp
Đánh giá về rào cản khiến nhiều DN xuất khẩu vẫn chưa thể tận dụng được hiệu quả CPTPP, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, chuyên gia kinh tế cho rằng, rào cản để DN tận dụng được các lợi thế của hiệp định là khác nhau. Đó là tiếp cận thị trường để hưởng ưu đãi thuế quan, các DN phải đáp ứng các điều kiện, trong đó điều kiện quan trọng là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Đây là trở ngại lớn nhất của DN Việt Nam.
Quy định về xuất xứ hàng hoá trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau. Do đó, đòi hỏi DN phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn; đồng thời phải tập hợp các hồ sơ chúng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, chỉ dẫn hàng hoá, C/O...
Cũng theo chuyên gia này, rào cản lớn khác chính là năng lực cạnh tranh và nguồn lực của DN. Chẳng hạn, để xuất khẩu gạo đáp ứng các yêu cầu về ưu đãi thuế quan đòi hòi DN phải đáp ứng được yêu cầu về vốn, công nghệ… Hay như dệt may, để đạt tiêu chí về nguyên liệu trong khối cũng không thể dễ dàng…

Theo TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ là trở ngại lớn nhất với DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay chính là thông tin về CPTPP để đạt ưu đãi thuế quan… còn khá thiếu vắng đối với DN. Một phần do cách thức cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý cũng như DN còn chưa chủ động hoặc bận rộn để tiếp cận các nội dung về hiệp định.
"Mặc dù còn gặp nhiều rào cản, khó khăn, nhưng sau 3 năm với các kết quả đạt được, theo tôi chính là gợi ý, cách thức truyền cảm hứng để DN xuất khẩu tìm hiểu CPTPP, qua đó nhiều DN sẽ đầu tư hoạt động sản xuất, tìm cách tiếp cận tốt hơn các thị trường CPTPP", chuyên gia nhìn nhận.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này còn gặp trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài cùng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường.
Các thị trường như Mỹ, Canada đều đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là các yêu cầu đối với các quy trình sản xuất như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, tiêu chuẩn lao động…
Trong khi đó, với thị trường như Mỹ Latinh, DN còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi họ chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong kinh doanh, giao tiếp.
Ở chiều ngược lại, mức độ nhận thức của các DN nhập khẩu nước bạn đối với chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam còn thấp.
Doanh nghiệp cần chủ động
Trước những rào cản hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến nghị: Thời gian tới, bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các DN cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm của Việt Nam. Hướng tới sản phẩm xanh, bền vững, luôn luôn tìm hiểu cái gì thị trường cần với phương châm “không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần".
Trong đó, cần tập trung vào những mặt như cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm… Làm sao để sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài đáp ứng được không chỉ thị hiếu khách hàng mà còn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nước bạn.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Võ Hồng Anh đưa ra nhiều khuyến nghị cho DN.
Nhấn mạnh vai trò của công tác xúc tiến thương mại, ông Trần Thanh Hải, chia sẻ, khi ký được hiệp định là một thuận lợi hết sức lớn, nhưng không phải ký được hiệp định thì tự nhiên các cơ hội sẽ đến, nếu chúng ta không tiếp cận được bạn hàng và có những đối tượng khác quan tâm ở các quốc gia thành viên. Đây là khâu mà chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, mặc dù hiện nay có thể nói kết quả từ hiệp định đang rất tốt, nhưng tính chủ động của DN của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
DN cần chủ động kết nối và tìm kiếm cũng như giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, thay vì chỉ đợi DN nước ngoài tìm đến, tiếp cận DN Việt Nam. Còn vấn đề về tuyên truyền, phổ biến thông tin, cần sự nỗ lực hơn của cả cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và DN để tận dụng tốt nhất lợi thế của hiệp định.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm