Làm gì để tránh ‘bàn thua’ từ thị trường Trung Quốc?
Thương mại hai chiều Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021 / Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
Rút ra bài học từ chuyện ách tắc xuất khẩu (XK) nông sản sang Trung Quốc trong thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn hoạt động XK của những doanh nghiệp (DN) nhỏ lẻ trong nước nếu tiếp tục như thế này thì rủi ro, hậu quả sẽ còn rất lớn.
Chủ động “chọn bạn tốt mà chơi”
Nhất là việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc dẫn đến việc chỉ cần có biến động nhẹ là các nhà XK nhỏ và nông dân lãnh đủ. Điều đáng nói là dù biết tình trạng này xảy ra thường xuyên nhưng các DN nhỏ lẻ vẫn chấp nhận rủi ro để XK thô sang Trung Quốc. Và rồi phải chấp nhận những “bàn thua” từ thị trường này nếu nhìn vào tình cảnh ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc vừa qua.
Các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ cần nhìn ra bài học từ chuyện “giải cứu” nông sản do ách tắc xuất sang Trung Quốc để tránh lặp lại các “bàn thua” như lâu nay. |
Nhân chuyện này, mới đây, hãng tin BBC có nêu ra bài học cho các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam thông qua phỏng vấn một doanh nhân gốc Việt tại TP London (Vương quốc Anh) có tên là Thái Trần.
Cụ thể, theo ông Thái Trần, nếu cứ tiếp tục làm theo cách này thì rủi ro pháp lý, đóng biên như đang thấy sẽ là rất lớn và khi đó hậu quả là khôn lường. Cũng có một thực tế là việc Trung Quốc đóng biên xảy ra là rất thường xuyên chứ không phải chỉ thời điểm này. Hậu quả kinh tế nặng nề trong khi tần suất rủi ro xảy ra lại cao, tại sao ta lại phải chọn phương án này trong khi còn rất nhiều phương án khác?
Với những gì đang diễn ra khi XK nông sản vào Trung Quốc, doanh nhânThái Trầnnhấn mạnh đã đến lúc người bán tại Việt Nam chủ động “chọn bạn tốt mà chơi”, làm việc cùng đối tác tạo điều kiện cho mình phát triển, tự nâng cao năng lực hơn là với đối tác chỉ cho mình cái lợi vật chất ngắn hạn và thậm chí phải đánh đổi bằng rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Liên hệ thực tế như việc XK của các DN Việt vào thị trường Vương quốc Anh, ông Thái Trần cho biết các DN Việt Nam khi làm việc với đối tác Anh thường sẽ có xu hướng làm theo quy định, ký kết hợp đồng chặt chẽ, cẩn trọng trong giao tiếp cũng như tác phong chuyên nghiệp…
“Điều này có bất cập là có thể khiến các nhà XK nông sản lúng túng ở những lần đầu tiên hoặc sẽ phải mất thời gian công sức mới có được những hợp đồng đầu tiên. Tuy nhiên, lại có điểm hay là họ học hỏi được thế nào là làm chính tắc, chính ngạch, bài bản, chuyên nghiệp và qua đó nâng cao năng lực nội tại. Khi năng lực nội tại được nâng cao thì họ có thể đi được đường dài”, ông Thái Trần nói.
Cho nên, điều mong mỏi trong hoạt động XK của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam trong thời gian tới là cần tiếp tục tránh phụ thuộc vào một, hai thị trường lớn như kiểu “bỏ trứng vào một giỏ”. Thay vào đó, các DN nhỏ cần mở rộng thị trường tận dụng các FTA đã ký.
Nhắm vào các thị trường nhỏ và ngách
Chẳng hạn như với Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang được kỳ vọng mở ra cơ hội mới cho các DN Việt mở rộng thị trường XK.
Ts. Erhan Atay, chuyên gia kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, cho rằng các DN Việt có thể tận dụng lợi ích của thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp cận với các quốc gia thành viên thuộc RCEP.
Đặc biệt là nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm kỹ thuật số, mặt hàng viễn thông và nông nghiệp có thể tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận với tất cả khách hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử như nhu cầu với các mặt hàng điện tử, dầu thô, dệt may, giày dép và nội thất ở Australia tăng cao cũng có thể đem đến cơ hội mới cho các nhà XK nhỏ của Việt Nam.
Để đẩy mạnh XK sang các nước RCEP, Ts. Atay nhấn mạnh vào những chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm giúp Việt Nam củng cố và mở rộng thị trường XK, đặc biệt với các DN vừa và nhỏ.
“Các DN vừa và nhỏ nên tập trung vào TMĐT, vào các thị trường nhỏ và ngách tìm kiếm những sản phẩm mà các nền công nghiệp Việt có thể cung cấp, đồng thời trau dồi kiến thức và chuyên môn về mạng lưới TMĐT, các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế và các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu đối với các thị trường mục tiêu”, ông Atay nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Khương Duy, hội nhập khu vực càng sâu rộng đòi hỏi DN trong nước phải thích ứng, đổi mới và tận dụng các cơ hội từ thị trường mới cũng như quan hệ đối tác tiềm năng với DN nước ngoài, nếu không sẽ khó có thể trụ lại trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt này.
Ông Duy lưu ý việc cải thiện phổ biến thông tin về các FTA cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nên là ưu tiên của Chính phủ. Như với RCEP, các DN cần được thông tin đầy đủ về Hiệp định từ góc độ kinh doanh: cơ hội thị trường mới, thách thức có thể gặp phải, hỗ trợ từ Chính phủ và những gì DN cần làm để hưởng lợi từ các FTA.
“Ngoài việc phổ biến thông tin, Chính phủ cần quan tâm hơn đến các hoạt động cải thiện xây dựng năng lực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Các hoạt động nâng cao xây dựng năng lực cần giúp DN định vị trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời giúp họ biết cách duy trì vị trí chiến lược đó và từng bước đi lên trong chuỗi giá trị”, ông Duy chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo