Hiệp định CPTPP

EVFTA: cơ hội vàng khai thác thị trường 18.000 tỷ USD

Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 28/5 và có hiệu lực sớm nhất từ tháng 7/2020. Dự báo, Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ XK hàng hóa vào thị trường EU, giúp bù đắp đáng kể những thiệt hại về XK trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cơ hội cho thị trường lao động tại Australia nhờ Hiệp định CPTPP / Thực thi CPTPP: Áp lực và cơ hội

evfta co hoi vang khai thac thi truong 18000 ty usd 127033
Dệt may là ngành hàng điển hình có nhiều cơ hội thúc đẩy XK vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: N.Thanh

Xuất khẩu tăng ngay 20%

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, DN trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với nước khác. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn. Trong khi đó, EU là thị trường NK lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU NK khoảng 2.338 tỷ USD. Trong khi thị phần XK của Việt Nam ở EU chỉ khoảng 2% với hơn 42% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Ở góc độ NK hàng hóa, kim ngạch NK từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn XK, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Các DN Việt Nam sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu NK với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.

Bộ Công Thương đánh giá, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng XK của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Nghiên cứu cho thấy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. “Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, DN Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Xung quanh những lợi ích mà EVFTA đem lại, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Hiệp định mở ra nhiều thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường của EU, như là tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa được mở rộng hơn; những nguyên liệu sử dụng ở những nước đã có FTA với EU đều được chấp thuận như là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

 

“Điểm thứ hai là các hàng hóa trao đổi giữa hai bên Việt Nam và EU phần lớn là những hàng hóa bổ sung cho nhau chứ không phải là những hàng hóa cạnh tranh đối kháng. Ví dụ như trong lĩnh vực về dệt may thì cả hai bên đều có thế mạnh, nhưng thế mạnh của EU là vấn đề liên quan đến thiết kế, liên quan đến thương hiệu, trong khi thế mạnh Việt Nam lại quá trình sản xuất và quá trình về gia công. Do vậy, đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam xây dựng và phát triển những ngành hàng là thế mạnh nội tại của Việt Nam như nông sản, thủy, hải sản, dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ theo hướng tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong cả nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Xác định sản phẩm thế mạnh để tận dụng

Soi chiếu khả năng tận dụng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để rút kinh nghiệm cho EVFTA, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ: Cách đây gần 2 năm, khi Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP Việt Nam đã đặt ra nhiều kỳ vọng hàng hóa Việt Nam sẽ tràn vào những nước trong khối CPTPP. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện (CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019-PV), đến nay nhìn lại XK của Việt Nam vào khối các nước CPTPP chỉ tăng 7,2%, trong khi XK chung của cả nước tăng 8,4%. Điều đó có nghĩa là Việt Nam chưa được hưởng lợi gì từ hiệp định này.

“Chính vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần xác định ngay những hàng hóa, sản phẩm nào của Việt Nam có khả năng tham gia XK vào thị trường EU là sản phẩm thế mạnh, từ đó đánh giá ngay mức độ đáp ứng những yêu cầu, những tiêu chuẩn kỹ thuật, xem những hàng hóa đó đạt đến đâu, cần phải làm gì để đạt được các tiêu chuẩn của EU. Chính phủ phải làm gì về mặt chính sách, về mặt thể chế để giúp cho các DN đạt được những tiêu chuẩn đó và các DN cần phải cố gắng đầu tư vào mặt nào để sản phẩm, hàng hóa của mình có thể tham gia vào thị trường này. Tôi hy vọng lần này chúng ta hành động sớm và đồng bộ để các DN Việt Nam, hàng hóa Việt Nam có đủ năng lực để tự tạo cho mình tấm vé tham gia vào sân chơi EVFTA”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Liên quan tới tận dụng EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) ví von, khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực mới là bắt đầu “cuộc đua” chứ chưa phải “bữa tiệc”. Nếu không tận dụng thành công, Việt Nam vẫn có thể tụt hậu, ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình. “Khi đó, với 2 hiệp định này sẽ là người khác ăn và nợ ta gánh. Trong cuộc đua này, mong Chính phủ rút kinh nghiệm từ quá trình hội nhập 20 năm, từ đó có chiến lược, thay đổi mạnh mẽ về thể chế để tận dụng thời cơ vàng đem lại, thúc đẩy trong vòng vài thập kỷ tới Việt Nam gia nhập vào các quốc gia phát triển trên thế giới”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

 

Xoáy sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã thiết kế và đã chuẩn bị trước những nội dung lớn trong xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng các công nghệ cho các ngân hàng, DN. Đặc biệt, DN nhỏ và vừa luôn luôn là những chủ thể chính. Vì vậy, tất cả những giải pháp này sẽ nằm chung trong một tổng thể của kế hoạch hành động của Chính phủ với vai trò của các bộ, ngành và bao hàm tất cả các khía cạnh”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm