Hiệp định CPTPP

Gạo, cà phê, giày dép… bắt đầu hưởng ưu đãi từ EVFTA

Một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã bắt đầu tận dụng được ưu đãi thuế quan và giá cả nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

CPTPP: Cam kết thuế quan của Peru đối với thủy sản Việt Nam / EVFTA - Cơ hội lớn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu vào EU.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu vào EU.

Giá xuất khẩu tăng nhờ EVFTA

Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) vừa xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang thị trường Hà Lan và Cộng hòa Séc, với giá 1.040 USD/tấn. Đây là giá xuất khẩu mà doanh nghiệp đàm phán tốt hơn mức giá bình quân mà Vinaseed đạt được trong năm 2019.

EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8, đang mở ra cơ hội đáng kể với những doanh nghiệp đã có hoạt động xuất khẩu với đối tác EU. Không chỉ là đàm phán với giá tốt hơn, mà sản lượng cũng có thể tăng lên nhanh nếu doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng và đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, năm 2019, doanh nghiệp đã xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang EU với kim ngạch khoảng 2 triệu USD và mục tiêu tăng lên 5.000 tấn trong năm nay.

“Điều quan trọng là chứng minh hàng hóa Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được chất lượng, đòi hỏi mà các nhà nhập khẩu đặt ra. Số lượng gạo xuất đi có thể chưa nhiều, nhưng chắc chắn phải giữ được phong độ với từng lô hàng, nhằm ghi điểm nhà cung cấp tại thị trường khó tính”, ông Trường nói.

 

Ngoài Vinaseed, một số doanh nghiệp khác trong ngành gạo cũng chốt được đơn hàng xuất sang EU với giá cao. Đơn cử, giá FOB (giao tại tàu) ở TP.HCM của lô gạo thơm xuất đi EU do Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thực hiện đầu tháng 8 đạt 1.080 USD/tấn. Đây là mức giá cao hơn hẳn giá xuất bán gạo thơm của Trung An đi thị trường châu Âu từ trước đến nay (cao nhất cũng chỉ 800 USD/tấn) khi chưa có EVFTA.

Trong khi đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cũng vừa xuất khẩu thành công 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh như bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen, trà xanh, cần tây... sang Hà Lan.

Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên sang EU được Công ty Thiên Nhiên Việt thực hiện năm 2019, nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa đơn hàng xuất trong tháng 8/2020.

Đại diện Công ty Thiên Nhiên Việt cho biết, để chinh phục được các thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU... doanh nghiệp đã triển khai mô hình sản xuất khép kín từ canh tác, chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm kiểm soát tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất.

Với kim ngạch xuất khẩu gần 2,9 tỷ USD năm 2019, trong đó, thị trường Đức đứng đầu trong khối EU, chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, cà phê Việt Nam xuất sang Đức đạt 367 triệu USD, đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu trực tiếp với thương hiệu riêng, giá cao hơn nhiều thị trường khác.

 

“Thuế xuất khẩu cà phê sang EU từ 15% xuống 0% sẽ tạo lực đẩy lớn cho nhà xuất khẩu, điều chỉnh các doanh nghiệp từ tư duy sản xuất chiều rộng sang chiều sâu, nhằm chuyển từ giai đoạn xuất khẩu nhiều về số lượng sang giai đoạn xuất khẩu ít, nhưng ngoại tệ thu về cao hơn”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khẳng định.

Bước đầu tận dụng được ưu đãi thuế quan

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), EVFTA đã chính thức có hiệu lực được 1 tháng, trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi thuế quan nhờ khai xuất xứ hàng hóa theo từng mã HS xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Số liệu cập nhật cho thấy, trong tháng 8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

 

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu xác nhận, thực tế số liệu cấp C/O mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam. 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ghi nhận ở mức 22,9 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản đã có tín hiệu tốt hơn.

Đến cuối tháng 8/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Tín hiệu vui là ngay sau khi EVFTA thực thi, các nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung tìm đến tôm Việt Nam.

Không chỉ tôm, các mặt hàng khác như cá tra, mực, cá ngừ…, nhờ đầu tư chế biến sâu nên việc tiếp cận thị trường châu Âu cũng khá thuận lợi.

EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng hàng hóa của chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Do vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu còn nhiều.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm