Hiệp định CPTPP

Giải bài toán pháp lý của các FTA

Việt Nam cần chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chưa tương thích với các cam kết trong Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) để tự tin tham gia “sân chơi” mới.

Tái cơ cấu thu ngân sách khi cắt giảm thuế nhập khẩu / CPTPP và EVFTA - cú huých cho ngành da giày Việt Nam phát triển mạnh mẽ

giai bai toan phap ly cua cac fta
Việt Nam vẫn gặp khó trong việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đồng bộ các nghĩa vụ cụ thể theo cam kết trong các FTA. (Nguồn: Tienphong)

Tham gia các FTA nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng là điểm nhấn quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh thời cơ lớn, các FTA thế hệ mới mang đến không ít khó khăn và thách thức.

Vướng về mặt pháp lý

Quá trình thực thi các FTA thế hệ mới cho thấy, Việt Nam đã và sẽ gặp thách thức về mặt pháp lý. Các FTA được ký kết trong thời gian ngắn (11 năm) vì vậy, Việt Nam cần có quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa khi thực thi Hiệp định, đặc biệt là đối với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đối với CPTPP, Hiệp định này bao gồm nhiều cam kết mới về quy tắc, thể chế, những cam kết tác động tới hệ thống pháp luật trong nước. Đặc biệt, các quy định của CPTPP rất chặt chẽ, khi thực thi CPTPP, hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết, như về: sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, lao động.

Còn đối với EVIPA, Hiệp định này được đánh giá có nhiều nội dung về đảm bảo an toàn vốn, tài sản cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, EVIPA cũng có nhiều quy định tiến bộ hơn so với các hiệp định về đầu tư mà Việt Nam đã ký với từng nước EU. Theo đó, các cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.

 

Khi ký kết hai FTA này, vấn đề quan trọng là sửa đổi hệ thống pháp luật trong nước sao cho phù hợp. Bên cạnh các cam kết mang tính truyền thống, các FTA còn có những cam kết mang tính quy tắc, có ý nghĩa ràng buộc. Do đó, cách hành xử chính sách của các bên phải chú trọng trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại, kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam vẫn gặp khó trong việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đồng bộ các nghĩa vụ cụ thể theo cam kết trong các FTA.

Chủ động rà soát các FTA

Tại Tọa đàm năm 2019 về Phát triển của luật pháp quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, so với các quốc gia trong khối ASEAN, Việt Nam là nước chủ động, tích cực đàm phán và ký kết nhiều FTA nhất. Việt Nam cũng có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu khi tham gia FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn.

Xét về vấn đề pháp lý, bà Vũ Thị Châu Quỳnh cho rằng, Việt Nam từng tham gia một số vụ kiện nhưng phần lớn các phán quyết đều có lợi cho Việt Nam. Việc đổi mới trong các FTA cũng đã theo kịp xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, trước sự thay đổi về chính sách đầu tư trong nước cũng như xu hướng thay đổi các Hiệp định đầu tư quốc tế của các quốc gia khác, Việt Nam cần phải có bước đi phù hợp để chủ động ứng phó với các tình huống.

Để giải quyết vấn đề này, bà Vũ Thị Châu Quỳnh nhận thấy, Việt Nam cần chủ động rà soát lại các FTA đang đàm phán và ký kết; nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chưa tương thích với các cam kết trong FTA thế hệ mới; rà soát hệ thống pháp luật để điều chỉnh đồng bộ pháp luật, kiểm soát tiến độ, hiệu quả điều chỉnh pháp luật theo cam kết. Quá trình rà soát các FTA cũng cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các đối tác liên quan.

 

Thêm vào đó, Việt Nam cần tổng kết kinh nghiệm từ các FTA đã ký kết, tham khảo các đối tác quốc tế và ưu tiên vào lộ trình đàm phán. Trong quá trình đàm phán các FTA, nên chú trọng đảm bảo lợi ích quốc gia, phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam, phù hợp với chính sách đầu tư của Việt Nam (bao gồm: đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài), bảo vệ lợi ích của cộng đồng, giảm rủi ro pháp lý cho nhà nước Việt Nam và đảm bảo tính khả thi của các FTA này.

Tham gia các FTA thế hệ mới đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ bước vào “sân chơi” mới, chấp nhận đương đầu với các khó khăn để cạnh tranh với các nước lớn. Để hội nhập quốc tế thành công, đòi hỏi Việt Nam phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa các cấp, ngành trung ương và địa phương với doanh nghiệp, hiệp hội. Đồng thời, chủ động trao đổi kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp đổi mới phù hợp, thúc đẩy phát triển bền vững về mọi mặt. Khi những thách thức về mặt pháp lý được giải quyết, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

“Chúng ta đã ký tương đối nhiều FTA. Câu chuyện không phải là tiếp tục ký thêm các FTA khác, mà ở việc tận dụng các FTA đã ký thế nào để thu hút đầu tư. Để tận dụng triệt để tiềm năng, lợi thế của các FTA, doanh nghiệp Việt cần tăng cường khả năng chống chịu với những ‘cú sốc’ của thị trường quốc tế” - Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia).

“Nếu Việt Nam thực hiện tốt các FTA và các cấp lãnh đạo của hai bên chuẩn bị tốt việc này, Việt Nam có thể vươn tới vị trí số 1 trong khu vực” - Đại sứ, cựu Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm