Hiệp định CPTPP

Hiệp định CPTPP với ngành thủ công mỹ nghệ: Thách thức từ quy tắc xuất xứ

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bên cạnh tạo cơ hội lớn cho ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) do thuế xuất khẩu giảm mang lại, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ, cam kết về lao động và môi trường.

Ngành da giày đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA / Mở rộng dư địa thị trường từ Hiệp định CPTPP

hiep dinh cptpp voi nganh thu cong my nghe thach thuc tu quy tac xuat xu
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thế giới ưa chuộng

Động lực phát triển

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước. Đối với ngành TCMN, những năm gần đây, số hộ làm nghề này ở nông thôn Việt Nam có chiều hướng tăng. Hiện, hàng TCMN Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như: Hàng mây, tre đan, các sản phẩm sơn mài, sản phẩm TCMN từ lụa, hoa giả...

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều sản phẩm làng nghề đã giữ vững và tạo dựng được thương hiệu mới trong quá trình sản xuất, xuất khẩu. Nhiều ngành nghề TCMN vẫn giữ được giá trị truyền thống, được các thị trường nước ngoài đánh giá cao. Đây là lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu các mặt hàng giàu tiềm năng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng.

PGS.TS Đặng Mai Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp - nhận định, tham gia CPTPP với những thuận lợi về tạo dựng môi trường kinh doanh cho các mặt hàng TCMN có những điều kiện tiêu chuẩn cao về thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như pháp luật từ trong nước tới thị trường quốc tế, tạo cơ hội thúc đẩy khả năng cạnh tranh, huy động và sử dụng tốt nhất nguồn lực trong nước, tận dụng nguồn lực bên ngoài. Việc cải cách thể chế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng, mang lại động lực tích cực để ngành TCMN có những cơ hội lớn phát triển.

CPTPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình về 0%, trong đó, ngành TCMN đa phần sẽ được hưởng mức thuế xuất 0%. Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội TCMN và làng nghề TP. Hà Nội - cho rằng, CPTPP là "cơ hội vàng" để mở cửa thị trường đối với ngành TCMN của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Đối mặt với những thách thức

Dù vậy, bà Hà Thị Vinh cho rằng, cơ hội kèm thách thức, các doanh nghiệp TCMN sẽ chịu áp lực không nhỏ khi sản phẩm phải có tính văn hóa và thực hiện đúng luật. Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp TCMN nhỏ và siêu nhỏ nằm trong các làng nghề, để hoàn thiện không dễ.

PGS. TS. Đào Ngọc Tiến - Đảng ủy viên, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Đại học Ngoại thương - nhận định, bên cạnh cơ hội đưa đến do thuế xuất khẩu giảm, ngành hàng này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ, cam kết về lao động và môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng lao động trẻ em, lao động nông nhàn vẫn diễn ra phổ biến. Ngoài ra, môi trường cũng là vấn đề "nóng" đối với các làng nghề TCMN. "Tác động tổng thể và dài hạn của CPTPP đến TCMN là tích cực. Tuy nhiên, có những tác động chung, dài hạn hoặc ngắn hạn, phụ thuộc vào từng sản phẩm. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể với sản phẩm và thị trường tiềm năng của doanh nghiệp TCMN" - ông Đào Ngọc Tiến nói.

Để nắm được "cơ hội vàng" từ CPTPP, các doanh nghiệp, làng nghề cần có nghiên cứu cụ thể để đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ khối thị trường này. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo được giá trị riêng là vấn đề mà các doanh nghiệp ngành nghề TCMN cần sớm thực hiện.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm