Hiệp định CPTPP

Hiểu đúng về những lợi ích đạt được khi CPTPP có hiệu lực

Hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1, tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về những lợi ích mà hiệp định thương mại liên quan đến 500 triệu người tiêu dùng này mang lại.

‘CPTPP không hoàn toàn màu hồng đối với ngành dệt may Việt Nam’ / CPTPP và cơ hội cho doanh nghiệp Nhật tại thị trường Việt Nam

Ảnh minh họa.


Thêm 3 thị trường mới

Bộ Công Thương cho biết, với 11 nước tham gia, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.

11 nền kinh tế CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

Tuy nhiên, CPTPP chỉ mang đến cho Việt Nam 3 thị trường mới bởi trong 10 nước đối tác của CPTPP thì ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 7 nước theo hình thức song phương hoặc đa phương hoặc cả hai.

Cụ thể, với Australia và New Zealand ta có FTA đa phương Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand(AANZFTA); với Brunei, Malaysia, Singapore, ta có FTA đa phương Khu vực mậu dịch tự do Asean; với Chile ta có FTA song phương Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile; với Nhật Bản, ta vừa có FTA song phương Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), vừa có FTA đa phương Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Asean - Nhật Bản (AJCEP).

Với câu hỏi 3 thị trường mới này sẽ mang lại những cơ hội gì cho Việt Nam, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru.

“Tuy nhiên, như mọi FTA khác, TPP11 không phải là mỏ vàng lộ thiên. Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Trên thực tế, cả 3 thị trường mới này Việt Nam đều đã đạt được thặng dư thương mại trong những năm qua. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico 2,34 tỷ USD, nhập về 567 triệu USD; xuất sang Canada 2,7 tỷ USD, nhập về 774 triệu USD; xuất sang Peru 331 triệu USD, nhập về 117 triệu USD.

Giá ô tô nhập khẩu liệu có giảm?

Lộ trình thuế quan trong TPP11 được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất, tuy nhiên, với câu hỏi về việc liệu người tiêu dùng Việt Nam có được mua ô tô giá rẻ hay không là việc rất được kỳ vọng khi CPTPP có hiệu lực.

Trả lời vấn đề trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, với mặt hàng ô tô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ô tô cũng sẽ không giảm như mong đợi.

“Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ô tô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ô tô. Như vậy để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ô tô”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Liên quan đến việc khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu mặt hàng tân trang, liệu rằng Việt Nam có quản lý được nhóm hàng này để không nhập về “rác thải công nghệ” hay không, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết. Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý và kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi Hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang và được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới.

Đặc biệt, ta cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm: xe máy, xe đạp và một số máy móc điện-điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, v.v... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.

Theo baochinhphu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm