Hiệp định CPTPP

Ký kết CPTPP: Rộng mở cho hàng Việt Nam xuất khẩu

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết tại Chile, gần như mở cửa hoàn toàn thị trường của 11 nền kinh tế chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 13.000 tỉ USD.

Vì sao con đường trở lại với CPTPP của Mỹ sẽ khó khăn? / Nhiều cơ hội cho nhân lực Việt Nam trước thềm CPTPP

Thị trường cho hàng xuất khẩu VN mở rộng hơn từ CPTPP ẢNH: NGỌC THẮNG

Thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nammở rộng hơn từ CPTPP Ảnh: Ngọc Thắng.

11 nước ký kết CPTPP gồm Việt Nam, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
“Các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ có nhiều thuận lợi để gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) vì hầu hết sản phẩm từ Việt Nam vào một số nước như Nhật Bản, Úc đều có thuế suất bằng 0%, cũng như các nguyên vật liệu đầu vào cũng không còn thuế. Trong khi đó, các đối thủ ở nhiều nước khác khi vào những thị trường này phải chịu thuế lên đến 30%”, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, chuyên sản xuất bao bì nhựa, nhận xét ngay sau khi thông tin CPTPP đã được ký kết.
Để tận dụng các cơ hội đó, Nam Thái Sơn chuẩn bị khởi công thêm một nhà máy mới ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) với công suất gần 30 triệu USD/năm chuyên sản xuất hàng hóa XK vào thị trường Nhật Bản, qua đó nâng tỷ trọng của thị trường này từ mức hơn 30% hiện nay lên 60% tổng kim ngạch XK của công ty.
Theo ông Việt Anh, cơ hội sẽ rộng mở cho nhiều DN nhưng mỗi đơn vị phải có sự chuẩn bị kỹ, nghiên cứu các quy định, điều kiện của các nước tham gia CPTPP để tìm hướng đầu tư và khai thác phù hợp. “Nhiều DN nhỏ trong ngành nhựa vẫn chưa có nhiều thông tin về hiệp định này. Các cơ quan chuyên môn, hiệp hội ngành nghề cần cung cấp thêm thông tin chi tiết về từng ngành khác mới có thể giúp DN tận dụng được lợi thế từ CPTPP”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.
Tập đoàn Intimex Group cũng lên kế hoạch gia tăng sản lượng XK các mặt hàng nông sản thêm 20% so với năm trước, tập trung đầu tư mở rộng các nhà máy chế biến nông sản như cà phê, điều... Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, phân tích: Hiện không ít hàng hóa chế biến sâu bị đánh thuế rất cao, từ 20 - 40%. Nhưng theo CPTPP, nhiều dòng thuế sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn và đây là cơ hội lớn cho ngành nông sản chế biến của Việt Nam.
“Chúng tôi đã XK vào hơn 90 thị trường trên thế giới nhưng hầu hết vẫn là hàng nông sản thô. Vì vậy CPTPP là cánh cửa mở ra cho hàng nông sản chế biến sâu. Tuy nhiên vượt qua rào cản đầu tiên là thuế thì các DN còn phải chịu hàng rào kỹ thuật, nhất là đối với các nước phát triển như Nhật, Úc, Canada... Vì vậy đầu tư nâng cao chất lượng là việc các DN phải đẩy mạnh hơn nữa nếu muốn khai thác thị trường rộng lớn này”, ông Đỗ Hà Nam nói.
Vị thế của Việt Nam gia tăng

Nhiều DN cũng cho rằng hình ảnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã được nâng cao. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty Scanasia Pacific, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, lý giải tác động trực tiếp của CPTPP trực tiếp đến ngành này không lớn do hiện nay nhiều sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam sang các nước tiêu thụ lớn đều không phải chịu thuế; nguyên liệu của ngành chế biến gỗ gồm các loại gỗ rừng trồng trong nước như cao su, keo… hoặc nhập khẩu nhiều từ Mexico nên cũng thuận lợi đáp ứng được điều kiện về xuất xứ. Chỉ có một số thị trường xa ở khu vực Nam Mỹ như Chile vẫn áp thuế suất cho nhiều sản phẩm lên hơn 30% nên sau CPTPP, thị trường Nam Mỹ sẽ mở rộng hơn nếu hàng rào thuế quan không còn.
Nhưng tác động gián tiếp của CPTPP đến các ngành chế biến gỗ nói riêng và nhiều ngành nghề khác của Việt Nam rất lớn. Từ khi TPP đi vào đàm phán, đã có nhiều nhà đầu tư quốc tế tìm đến vì nghĩ rằng sản phẩm của Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn.
“Các đối tác từ Úc, Nhật… hiện đã chủ động chuyển sang mua hàng ở Việt Nam nhiều hơn. Tôi tin chắc chắn sau CPTPP, các nhà thu mua từ các nước tham gia hiệp định này sẽ vào Việt Nam đông hơn. Bên cạnh việc khai thác tốt ở các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu thì DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường mới khác. Đó là chưa kể khả năng Mỹ quay trở lại tham gia CPTPP thì sẽ càng gia tăng cơ hội giao thương quốc tế của Việt Nam”, ông Nguyễn Chiến Thắng nhận định.
Chú ý thị trường nội địa

TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, khuyến cáo bên cạnh việc mở rộng XK cũng phải chú ý đến thị trường nội địa. 11 nước nội khối CPTPP mở cửa tự do hóa thương mại, hàng Việt Nam có cơ hội vào mạnh thị trường các nước thì đồng thời hàng hóa các nước cũng sẽ vào Việt Nam dễ dàng, cạnh tranh quyết liệt hơn. Đối với từng ngành nghề cụ thể phải có sự phân tích chi tiết để xem tác động đến đâu, ở mức độ nào.
Ví dụ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, nhiều khả năng một số sản phẩm sẽ bị thua trên sân nhà. Bởi bên cạnh những sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều…; có nhiều ngành của chúng ta vẫn rất yếu như chăn nuôi. Do đó nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh thì DN và hàng hóa Việt Nam khó tồn tại. Lĩnh vực nào, cây trồng nào không còn lợi thế cạnh tranh, không thể nâng cao năng suất và hạ giá thành thì nên chuyển sang trồng cây khác. “Thuyền đã ra biển và phải chống chọi với sóng gió vì không còn con đường nào khác nếu muốn tiếp tục tồn tại”, TS Ngãi nhấn mạnh.
Theo thanhnien.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm