Phê chuẩn EVFTA, EVIPA và các Luật mới được thông qua: Cú hích cho kinh tế Việt Nam
EVFTA và câu chuyện 'Người thắng, kẻ thua' / Đừng để những “chiếc xe” của doanh nghiệp “hết xăng trên cao tốc EVFTA"
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV là kỳ họp đặc biệt với chương trình kết hợp cả làm việc trực tuyến và trực tuyến đã bế mạc cuối tuần này. Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bị tác động do COVID-19 nên bên cạnh việc xây dựng pháp luật và giám sát tối cao, tại kỳ họp này Quốc hội đã quyết định đưa ra những quyết sách mới.
Trong số 10 luật, 21 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này đáng chú ý là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA). Cũng trong tuần này lần lượt các luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP được Quốc hội thông qua.
Nhiều bài viết trong tuần qua đã nhìn nhận phân tích các nghị quyết, các luật được Quốc hội thông qua dưới góc nhìn kinh tế Việt Nam có thuận lợi và thách thức gì trong giai đoạn tới?
Các báo dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn.
Việc thực thi EVFTA, EVIPA sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đón đầu sự dịch chuyển của dòng đầu tư quốc tế.
Theo tờ Thanh niên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8. Đây chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế khi hiệp định có những mức cam kết cao nhất về thuế mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Theo tờ Đầu tư, cụ thể, sau khi hiệp định có hiệu lực, Liên minh châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam. Đặc biệt, sau 7 năm hiệp định có hiệu lực, Liên minh châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Như vậy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới… Và điều quan trọng nhất với doanh nghiệp lúc này là làm gì và làm như thế nào để tận dụng được cơ hội hiệp định mang lại?
EVFTA và EVIPA mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, song hành cùng với đó là những thách thức.
Cũng trong tuần này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chuyển đổi 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Quốc hội cũng đồng ý bổ sung vốn hơn 23 nghìn tỉ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư 3 dự án này.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)… cũng lần lượt được Quốc hội thông qua trong tuần này. Đây sẽ là cú hích để Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo