Cơ hội và thách thức song hành từ EVFTA
Da giày cải tiến sản phẩm để thích ứng với EVFTA / Xuất xứ hàng hóa yêu cầu quan trọng để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA
Giới chức châu Âu và truyền thông quốc tế đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa trong quan hệ thương mại quốc tế.
Trong số 27 quốc gia EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương đạt trên 10 tỷ USD năm 2019, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch ngoại thương giữa Việt Nam và EU. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng và thực tế quan hệ chính trị song phương, song việc EVFTA được thông qua là cơ hội lớn cho không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp Đức và châu Âu, vốn còn thận trọng trong việc tiến vào thị trường Việt Nam - cửa ngõ để mở rộng ra khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á nói chung. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định này, nhiều hãng tin, kênh truyền hình và giới doanh nghiệp của Đức đã đưa tin đậm nét, đồng thời đánh giá cao những cơ hội trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong thời gian tới.
Theo báo Frankfurter Rundschau (Quan sát Frankfurt), các chuyên gia thương mại từ Nghị viện châu Âu (EP) đã hoan nghênh việc Quốc hội Việt Nam thực hiện bước phê chuẩn cuối cùng đối với EVFTA sau 8 năm đàm phán. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế EP Bernd Langenhấn mạnh với nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, EU có thể khởi động những thay đổi thông qua việc xích lại quan hệ song phương. Trong khi đó, Báo cáo viên của EP về EVFTA, ông Geert Bourgeois, khẳng định đây là "cơ hội tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu và đầu tư châu Âu". Bài báo cũng nhận định Việt Nam là quốc gia quan trọng về sản xuất thiết bị điện và hàng dệt may cho thị trường châu Âu và cũng là thị trường ưa thích đối với các công ty châu Âu.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Peter Altmaier đánh giá thỏa thuận đạt được mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp liên bang Đức (BDI) Joachim Lang cho rằng ngành công nghiệp Đức đã “thở phào“ khi thỏa thuận được thông qua, bởi nó sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động trao đổi kinh tế với Việt Nam.
Theo các báo Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) và Handelblatt (Thương mại), EVFTA được vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là thỏa thuận thương mại toàn diện nhất mà EU thông qua cho đến nay với một quốc gia mới nổi và là thỏa thuận tương tự thứ hai của EU với một nước Đông Nam Á. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới trước mắt sẽ giúp xóa bỏ 2/3 hàng rào thuế quan và sau từ 7-10 năm sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mọi hàng hóa song phương. Trong khi đó, hãng tin Đức DPA cũng bình luận về những lợi ích từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời cho biết Việt Nam dự tính thỏa thuận sẽ giúp tăng 44% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU vào năm 2030.
Cũng đề cập tới lợi ích từ EVFTA, trang tin Deutsche Welle (Làn sóng Đức) nhận định thỏa thuận sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở Đông Nam Á với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 56 tỷ USD trong năm ngoái. Deutsche Welle cũng cho biết với việc phê chuẩn thỏa thuận trên, Việt Nam cam kết thực thi các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ quyền của người lao động và tuân thủ những cam kết về chống biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris.
Đối với châu Âu, việc Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA vào lúc này là “rất đúng thời điểm”. Trang tin Finanznachrichten dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ liên bang Đức (BGA) Ines Kitzing cho rằng thỏa thuận được thông qua có lợi cho các doanh nghiệp Đức trong bối cảnh có nhiều thông tin không tích cực về ngoại thương của Đức trong khi các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) hầu như không tiến triển. Theo ông Kitzing, thỏa thuận sẽ không chỉ tạo động lực kinh tế mà là câu trả lời rõ ràng với chủ nghĩa bảo hộ dưới vỏ bọc khủng hoảng COVID-19.
Truyền thông Áo cũng nhận định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Áo. Trang tin của Phòng Kinh tế Áo (WKO) cho rằng với việc EVFTA được thông qua ở Việt Nam, cánh cửa tiếp cận thị trường Đông Nam Á trong tương lai đối với các doanh nghiệp Áo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Áo thì đó là diễn biến hết sức tốt đẹp, bởi có tới 50% số việc làm ở Áo phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu. Theo WKO, EVFTA sẽ xóa bỏ nhiều rào cản thuế quan, giúp cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường và đơn giản hóa các quy định về thương mại. Cũng theo bài viết, trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục đạt trên 7%, là nền kinh tế mạnh và có tính cạnh tranh, với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng lực lượng lao động trẻ, năng động. Việt Nam cũng sẽ là trung tâm về công nghệ, kỹ thuật số và khởi nghiệp của châu Á.
Nghị sĩ Marc Tarabella thuộc Ủy ban Nông nghiệp EP đánh giá EVFTA về tổng thể là một thỏa thuận tốt và có lợi cho cả hai bên, bởi EU và Việt Nam có những thế mạnh khác nhau. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp tăng mỗi năm hơn 15 tỷ euro kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu và hơn 8 tỷ euro từ châu Âu sang Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, nghị sĩ Tarabella cho rằng Việt Nam cần tăng năng suất trong nông nghiệp, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi hơn cho xuất khẩu.
Ông Tarabella nhấn mạnh một thách thức thực sự là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông nêu rõ muốn cải thiện các tiêu chuẩn, khâu kiểm soát và sản xuất phải tuân thủ các chuẩn mực của châu Âu, và một khi vấn đề này được giải quyết thì Việt Nam có thể tăng trao đổi thương mại trong tương lai. Một khía cạnh quan trọng khác là việc tuân thủ các quy trình trong sản xuất và xác định nguồn gốc xuất xứ. Theo ông, EVFTA sẽ đóng vai trò là đòn bẩy để cải thiện các tiêu chuẩn và là cơ hội để mở rộng trao đổi và hội tụ các điều kiện để hướng tới các tiêu chuẩn tham vọng hơn.
Từ Italy, trang tin trực tuyến Affaritaliani.it nhận định cơ hội hợp tác mới đang mở ra cho các doanh nghiệp châu Âu sau khi EVFTA được cả EU và Việt Nam thông qua. Theo bài báo, EVFTA là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), trong đó các mặt hàng được hưởng lợi lớn sẽ là dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản,... Đổi lại, các doanh nghiệp EU có thể tiếp cận với một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, dân số trẻ, năng động. Các doanh nghiệp châu Âu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy, thiết bị, ô tô, hóa-dược, công nghệ thông tin, dịch vụ... sẽ được hưởng lợi lớn từ thỏa thuận này.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, EVFTA và Hiêp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng được Quốc hội Việt Nam thông qua dự kiến sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá để thu hút đầu tư chất lượng từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và lao động có tay nghề. Đây chính là cơ hội hợp tác đối với các công ty châu Âu, cụ thể là hỗ trợ các đối tác Việt Nam về công nghệ, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số cũng như kiến thức quản lý. Điều này cũng đặt ra những thách thức, buộc các doanh nghiệp châu Âu phải trang bị và đổi mới, có kế hoạch dài hơi để có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong hàng chục năm tới.
Có thể thấy EVFTA và EVIPA được khởi động, kết thúc đàm phán và thông qua trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Khi dịch COVID-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới, việc Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA và EVIPA sẽ góp phần phục hồi sự phát triển kinh tế vì có thể khai thác những thị trường tiềm năng, có ý nghĩa chiến lược như thị trường EU. Đây cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa các thị trường. Bên cạnh đó, khi không còn hàng rào thuế quan với EVFTA, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam còn phải vượt qua một rào cản quan trọng không kém, đó là hàng rào phi thuế quan hết sức nghiêm ngặt của EU, bởi “lục địa già“ không chỉ có những quy định chặt chẽ liên quan tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với suốt quy trình sản xuất ra sản phẩm đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo