Hiệp định CPTPP

Thái Lan "nghiên cứu thêm" việc tham gia CPTPP

Theo Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại, Nội các Thái Lan cũng nhất trí thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu chi phí và lợi ích của CPTPP.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8: Tận dụng xuất khẩu ngay / EVFTA là cơ hội mới cho nông sản Sơn La vươn xa

Theo Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), nhóm này đang lên kế hoạch thuê một công ty tư vấn để đánh giá "sâu sắc nhất" những ưu và nhược điểm của thỏa thuận vốn được cho là sẽ giúp thúc đẩy thương mại quốc tế này. Điều này có thể giúp Thái Lan xử lý hậu quả từ đại dịch COVID-19.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Chile, ngày 8/3/2018. Ảnh: TTXVN .
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết tại Chile, ngày 8/3/2018. Ảnh: TTXVN .

Truyền thông sở tại ngày 10/8 dẫn lời Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree nhận định CPTPP là một cơ hội để Thái Lan xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường mới. Ông Supant nói rằng JSCCIB sẽ cung cấp những kết luận của nghiên cứu để chính phủ có thể tái cân nhắc liệu có tham gia đàm phán CPTPP hay không.Thái Lan đã không tham gia các cuộc thảo luận khi các thành viên CPTPP họp hồi đầu tháng này.

Tháng trước, Nội các Thái Lan đã đồng ý nêu vấn đề tham gia CPTPP trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, giữa lúc có những lo ngại rộng rãi về tác động tiêu cực tiềm tàng của CPTPP đối với ngành nông nghiệp do các thành viên được yêu cầu giảm thuế nhập khẩu đối với nông sản.

Theo Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại, Nội các Thái Lan cũng nhất trí thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu chi phí và lợi ích của CPTPP.

Ông Supant thừa nhận những lo ngại của những người phản đối cho rằng CPTPP có thể “giết chết các doanh nghiệp địa phương khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Thái Lan”. Những lo ngại như vậy là lý do tại sao FTI muốn chính phủ thảo luận những vấn đề gây tranh cãi với các thành viên CPTPP nhằm có thêm thông tin và cập nhật về hiệp định.

 

Tháng 6/2020, Hạ viện Thái Lan đã thống nhất thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 49 thành viên từ nhiều đảng phái chính trị của Thái Lan để nghiên cứu về các chi phí và lợi ích của CPTPP.

Theo kế hoạch ban đầu, ủy ban này có 30 ngày để hoàn thành các nghiên cứu của mình với 3 tiểu ban được thành lập để nghiên cứu về những tác động của CPTPP trên các lĩnh vực như giống cây trồng, y tế công cộng và y học, thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, ủy ban này đã nói rằng họ cần thêm ít nhất 60 ngày nữa cho tới tháng 9/2020 để nghiên cứu chi tiết về CPTPP.

Bộ Thương mại liên tục cảnh báo rằng Thái Lan có thể để lỡ con tàu kinh tế nếu không nhanh chóng tham gia hiệp định. Một quan chức cao cấp thương mại đã nhận xét nếu Thái Lan không tham gia CPTPP, nước này sẽ đánh mất cơ hội và sẽ bị các nước láng giềng là thành viên CPTPP bỏ qua.

Tuy nhiên, liên quan đến tác động của TPTPP, cũng có dư luận cho rằng Thái Lan không nên vội vã gia nhập hiệp định này. Trên thực tế, lập trường “không vội” của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã giảm sức ép lên các bên liên quan.

 

Các mạng lưới dân sự do FTA Watch và BioThai lãnh đạo đã thực hiện một loạt các chiến dịch phản đối CPTPP, một hiệp định thương mại mà họ nói rằng sẽ đặt khu vực nông nghiệp, các ngành dược phẩm và y tế vào thế bất lợi lớn. Lo ngại lớn nhất là những điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV119).

Những điều khoản này được cho là cấm nông dân thu hoạch và tái sử dụng những hạt giống có chứa những nguyên liệu thực vật có bằng sáng chế. Tuy nhiên, Vụ Đàm phán Thương mại không đồng ý với cáo buộc đó, khẳng định rằng nông dân vẫn có quyền tích trữ hạt giống, nhưng chỉ được dùng cho các mục đích phi thương mại.

Những người phản đối cũng cảnh báo rằng nếu Thái Lan tham gia CPTPP, các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng của nước này sẽ bị suy yếu, đặc biệt liên quan đến những sản phẩm tiềm ẩn rủi ro như thực phẩm biến đổi gen.

Khi tham gia CPTPP, Thái Lan sẽ phải mở cửa cho những sản phẩm biến đối gen như đã được chỉ ra bởi những điều khoản về buôn bán các sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại.

Hơn nữa, CPTPP đã gây ra sự chia rẽ giữa các cơ quan nhà nước. Trong khi Vụ Đàm phán Thương mại là bên ủng hộ chính, các quan chức tại Bộ Y tế đã phản đối động thái đó. Đầu năm nay, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã nói rõ rằng ông và các quan chức Bộ Y tế phản đối hiệp định.

 

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mới được thành lập của 11 quốc gia khu vực vành đai Thái Bình Dương, nhưng không có Mỹ và Trung Quốc. Hiệp định này có hiệu lực tháng 12/2018, với các thành viên bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Mexico, Singapore, Vietnam, Chile, Peru, Brunei và Malaysia.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm