Hiệp định CPTPP

Thực thi FTA: Không thể 'đầu voi, đuôi chuột'

Thực thi các FTA phải quyết liệt hiệu quả hơn, không phải là “đầu voi, đuôi chuột” mà là “đầu voi, đuôi khủng long". Có như vậy, hàng hóa Việt Nam mới làm chủ trên "sân nhà" và tận dụng tốt cơ hội cắt giảm thuế quan từ nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã ngay lập tức được hưởng lợi từ EVFTA / Cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải, dệt may Việt Nam rộng cửa vào EU

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 là làm thế nào để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, nhiệm vụ quan trọng trong hội nhập để phát triển thị trường đã đi đúng hướng. Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ XK cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.

nanh-det-may-7863-1610005718.jpg

2020 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 500 tỷ USD.

"Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD", Bộ trưởng Công Thương đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng chỉ ra một số thách thức trong giai đoạn tới, trong đó nhấn mạnh tới sức ép cạnh tranh của DN Việt Nam trên "sân nhà" khi thực hiện các FTA. Các nước bên cạnh Việt Nam đang phát triển rất mạnh. Đặc biệt là Trung Quốc, đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt tới hơn 4.000 tỷ USD.

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam phải tạo điều kiện phát triển DN trong nước, tập trung hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sáng tạo.

Còn theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, năm 2020, DN ô tô đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có, tuy nhiên nhờ có chính sách giảm lệ phí trước bạ đã giúp kích cầu tiêu dùng. Đây là tiền đề để DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước vững tin đẩy mạnh sản lượng bán ra vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các FTA có hiệu lực, xe nhập khẩu hưởng thuế ưu đãi, DN ô tô đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách thúc đẩy nội địa hoá với sản phẩm ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, gia hạn chính sách ưu đãi nhập khẩu linh kiện.

 

Theo đó, khi dịch bệnh còn phức tạp, đại diện TC Motor mong muốn Thủ tướng gia hạn các chính sách hỗ trợ chung cho các DN sang năm 2021, tạo động cho phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, thu hút nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng cơ chế để những nhà sản xuất này hợp tác với DN nội địa, từng bước làm chủ, tiến tới chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.

Xoáy sâu vào góc độ tận dụng cơ hội từ các FTA, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệpViệt Nam Vũ Tiến Lộc (VCCI) cho rằng, thời gian tới, quá trình hội nhập, thực thi các FTA phải quyết liệt hiệu quả hơn, không phải là “đầu voi đuôi chuột”, mà phải là “đầu voi đuôi khủng long”!

Kiên quyết chống gian lận xuất xứ

“Ví dụ điển hình như việc khai trương Cổng thông tin về các FTA mới đây rất hữu ích nhưng làm sao để cổng này không chỉ của Bộ Công Thương, mà phải liên ngành, liên bộ, liên địa phương, Bộ Công Thương đóng vai trò như điều phối. DN chỉ cần đến một địa chỉ là có thể liên thông tất cả. Cộng đồng DN cũng rất mong muốn Bộ Công Thương thể hiện vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA”, ông Lộc nhấn mạnh.

 

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương trong thời gian tới tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các FTA mang lại.

Để khai thác tốt lợi ích mà các FTA này mang lại cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với WTO và ASEAN.

Bên cạnh việc tận dụng FTA để XK, ngành công thương cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Đặc biệt, thực hiện nghiêm Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, đây là việc làm rất quan trọng", Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

"Chính phủ Việt Nam quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung, hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng nhắc lại ngày 22/12/2020 đã trao đổi với Tổng thống Mỹ, đề nghị không áp thuế với Việt Nam vì lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước. Tiếp theo, ngày 6/1/2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.Trong tối 7/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng sẽ điện đàm với ông Ligthizer, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), nhằm trao đổi thông tin, hiện thực hóa những nội dung mà hai nhà lãnh đạo đã trao đổi...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm