Hiệp định CPTPP

Tổng thống Trump cân nhắc quay lại CPTPP

Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến dư luận bất ngờ khi chỉ đạo xem xét khả năng tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

8 chính sách thương mại, XNK và dân sinh nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 10/2018 / Australia chính thức phê chuẩn hiệp định CPTPP

Tổng thống Trump gây bất ngờ về CPTPP ẢNH: REUTERS

Tổng thống Trump gây bất ngờ về CPTPP ẢNH: REUTERS

Truyền thông Mỹ hôm qua dẫn lời các quan chức nước này xác nhận Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn cấp cao nghiên cứu và cân nhắc chuyện quay lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11).
Theo tờ The New York Times, chỉ đạo này xuất phát từ một cuộc họp ở Nhà Trắng vào ngày 12/4 (giờ Mỹ), khi thượng nghị sĩ John Thune nêu ý kiến về việc tái gia nhập CPTPP vì cho rằng đó là cách tốt nhất để gây sức ép đối với Trung Quốc về thương mại. Ngay sau đó, chủ nhân Nhà Trắng chỉ thị cho Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudllow và Đại diện thương mại Robert Lighthizer nghiên cứu.
“Không có hạn chót nào cả. Chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp một đội ngũ để điều nghiên vấn đề này”, ông Kudllow cho hay. Vị chủ tịch này cùng tân Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo trước đây đều ủng hộ Mỹ gia nhập TPP (tên cũ của CPTPP trước khi Tổng thống Trump tuyên bố rút ra năm 2017).
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoàng (Trưởng bộ môn kinh tế quốc tế, Đại học Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định Tổng thống Trump có một số lý do để cân nhắc quay lại TPP-11. Trong nước, ông chịu áp lực từ các bang mạnh về nông nghiệp tại miền nam cũng như các nhà xuất khẩu lớn. Ở nước ngoài, Mỹ đang đối mặt những vấn đề về thương mại cả song phương lẫn đa phương, bao gồm ý định rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đòi đàm phán lại hiệp định song phương với Hàn Quốc (KORUS) và mới nhất là căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
“Nếu Tổng thống Trump vẫn áp dụng chính sách nước Mỹ trên hết thì các quốc gia đang quan tâm buộc phải tính toán lại chiến lược để bảo vệ lợi ích trong quan hệ thương mại với Mỹ. Trong khi đó, biện pháp đánh thuế hàng hóa Trung Quốc cũng bị đáp trả nhanh chóng. Do đó, ông cần tìm thị trường và TPP-11 là một mục tiêu”, tiến sĩ Hoàng đánh giá.
Việc cân nhắc tái gia nhập CPTPP được nhiều chính trị gia và giới kinh doanh Mỹ ủng hộ. Thượng nghị sĩ Joni Ernst tại bang Iowa mô tả cuộc gặp với tổng thống là “mang tính xây dựng” và bà cũng đã hối thúc ông thương thảo lại với các thành viên TPP-11. Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật bản Taro Aso ngày 13/4 bày tỏ hoan nghênh ý định của Mỹ và cho biết thêm vấn đề này sẽ được thảo luận khi Thủ tướng Shinzo Abe gặp Tổng thống Trump vào tuần sau.
Mặc dù vậy, khả năng Mỹ thực sự trở lại vẫn rất khó lường. Sáng qua, Tổng thống Trump lại lên Twitter tuyên bố sẽ chỉ tham gia TPP-11 nếu có được thỏa thuận tốt hơn rõ rệt so với những cam kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng nhận định với Thanh Niên rằng những quyết sách của ông Trump nhìn chung là khó đoán và cần phải chờ thêm. Dù không có Mỹ, TPP-11 vẫn được đàm phán lại thành công và ký kết vào ngày 8/3 tại Chile. Ngay trong ngày ký kết hiệp định, Tổng thống Chile khi đó là bà Michelle Bachelet khẳng định các thành viên TPP-11 sẵn sàng chào đón Mỹ quay lại nhưng chính quyền Tổng thống Trump phải chấp nhận những điều khoản đã được các bên nhất trí.
Theo thanhnien.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm