Thị trường

Xuất khẩu đạt kỷ lục, Bộ Công Thương dự kiến vượt chỉ tiêu Chính phủ giao

Với 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017 (đạt 214,01 tỷ USD).

Bộ Công thương: ‘Giá xăng đáng lẽ phải tăng hơn 1.000 đồng’ / Trong 9 tháng Việt Nam xuất siêu sang Anh hơn 3 tỷ USD

26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 9 tháng năm 2018, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 178,91 tỷ USD.

“Theo kế hoạch Bộ Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 tăng 10% so với cùng kỳ thì mức tăng 15,4% đã cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018 và bằng 75,6% kế hoạch năm”, Thứ trưởng nói.

Theo đó, tính đến hết tháng 9, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là: Điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệt, may (22,56 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).

“Đáng chú ý, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Bằng chứng là trong 9 tháng năm 2018, khối DN nội xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%. Con số này cao hơn rất nhiều mức tăng của khối nội ở thời điểm năm 2016 chỉ tăng 5,5”, Thứ trưởng thông tin.

Về thị trường, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Phan Trang.


Ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng cao với cùng kỳ năm 2017: ASEAN ước tăng 16%, đạt 18,72 tỷ USD; Trung Quốc ước tăng 26,6%, đạt 28,15 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 12,2%, đạt 13,82 tỷ USD; Hàn Quốc ước tăng 26,5%, đạt 13,5%; Australia ước tăng 25,5%, đạt 3 tỷ USD.

Cán cân thương mại duy trì thặng dư, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm phục vụ sản xuất, xuất khẩu. 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ước khoảng 5,39 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

“Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỉ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận xét.

Hoàn thành vượt chỉ tiêu Chính phủ giao

“Qua kết quả đạt được từ đầu năm đến nay và đánh giá khả năng ở từng mặt hàng, nhóm hàng, lĩnh vực cụ thể, Bộ Công Thương dự tính cả năm 2018, tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mức chỉ tiêu được Chính phủ giao và so với kịch bản dự kiến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

 

Lãnh đạo Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Cán cân thương mại năm 2018 có thể tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 2 tỷ USD.

Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.

Nói thêm về diễn biến thị trường trong nước năm 2018, Thứ trưởng cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá có tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu... nhưng sẽ được kiểm soát từ phía nhà nước), các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan.

“Với những yếu tố thuận lợi như phân tích ở trên, Bộ Công Thương phấn đấu mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt khoảng 4.269-4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10-10,5% so với năm 2017”, Thứ trưởng nói.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm