Hiệp định CPTPP

Triển khai quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch vật trong Hiệp định CPTPP và EVFTA

Ngày 6/9, tại Lào Cai đã diễn ra hội nghị triển khai các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật khi tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Chiến thuật xuất khẩu gạo trong sân chơi CPTPP / Mỹ - Trung căng thẳng: CPTPP sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 6/9, tại thành phố Lào Cai, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị triển khai các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu âu EVFTA.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện lãnh đạo nhiều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực phía Bắc.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam về những điểm mới trong quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong cam kết của các Hiệp định CPTPP và EVFTA; yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu nông sản và thủy sản trong tình hình mới.

Tại hội nghị các đại biểu và doanh nghiệp được nghe tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trình bày các nội dung về SPS khi tham gia CPTPP và EVFTA và những yêu cầu địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý.

Theo đó, các biện pháp SPS được các nước CPTPP cam kết bảo đảm rằng: Các biện pháp SPS dựa trên nguyên tắc khoa học, tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế hoặc dựa trên việc đánh giá rủi ro khách quan theo đúng yêu cầu của WTO. Việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện minh bạch, có ghi chép lại và cho phép các chủ thể liên quan và các nước CPTPP cơ hội để bình luận.

Ngoài ra, việc đánh giá rủi ro phải được tiến hành phù hợp với bối cảnh rủi ro liên quan, đồng thời tính đến các dữ liệu khoa học, thông tin định tính, định lượng có liên quan. Nếu sau khi đánh gia rủi ro, nước nhập khẩu ban hành biện pháp SPS cho phép nhập khẩu, thì nước này phải áp dụng biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý. Biện pháp quản lý rủi ro không gây cản chở thương mại vượt quá mức cần thiết và phải tính đến điều kiện kinh tế và kỹ thuật liên quan.

Ông Nguyễn Tử Cương, Nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã nêu ý kiến về Hiệp định định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch SPS trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới đối với sản xuất nông – lâm – thủy sản.

 

Điểm đáng lưu ý là SPS được các quốc gia thành viên trong Hiệp định xây dựng và đều là văn bản bắt buộc áp dụng. SPS do một quốc gia công bố cũng bắt buộc áp dụng với các quốc gia xuất khẩu vào thị trường nước họ. SPS chỉ quan tâm đến những nội dung liên quan đến chữ AN ( an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe động thực vật; an toàn môi trường, an sinh xã hội...).

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe Thạc sỹ Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng SPS Việt Nam trình bày những quy định của Hiệp định Thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), những yêu cầu địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý; quy định về kiểm dịch thực vật của trường Trung Quốc đối với nông sản Việt Nam và những tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu kiểm soát đối với nông sản Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Các đại biểu dự hội nghị cũng đã có nhiều câu hỏi và thảo luận về giải pháp thực tiễn nhằm thực thi các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật trong thương mại nông sản ở các thị trường quốc tế.

Theo Quốc Khánh/TTXVN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm