Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần hạn chế tối đa thủ tục gây phiền hà doanh nghiệp

(DNVN) - Ngày 2/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Bày tỏ cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật về trình tự, thủ tục, nội dung, thời gian cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông – tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ một số vấn đề. Cụ thể là các dự án đã được thẩm định công nghệ thì không phải cấp giấy phép chuyển giao công nghệ vì thẩm định công nghệ có đạt được yêu cầu cấp thẩm quyền mới quyết định đầu tư mà đây là thủ tục hành chính cao nhất trong quyết định đầu tư. Việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ chỉ dành cho các công nghệ được chuyển giao không kèm theo các dự án đầu tư. Riêng công nghệ khuyến khích chuyển giao, nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký chuyển giao công nghệ.

Sau khi Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội thông qua, Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường và các luật khác cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật chuyển giao công nghệ như hiện nay. Đại biểu đặt vấn đề, Luật đầu tư công không quy định thẩm định công nghệ, Luật bảo vệ môi trường tại Điểm 2, Điều 22, Mục 3, Chương 2 trong đánh giá tác động môi trường, quy định, đánh giá việc lựa chọn công nghệ như vậy có cần nữa hay không. Mặt khác, trước khi quyết định chủ trương đầu tư thì phải thẩm định công nghệ để xem xét có được chấp nhận chuyển giao công nghệ hay không rồi mới thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Theo đại biểu có cần hạn chế tối đa các thủ tục để khỏi làm phiền đến các nhà đầu tư.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Lê Quân – TP.Hà Nội đề nghị Luật nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí và tránh chi phí cho doanh nghiệp. Đại biểu phân tích, tại khoản 3 Điều 14 dự thảo có quy định mọi dự án khi sử dụng công nghệ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định và một số báo cáo khác. Điều 17 quy định khi trình những dự án phải thẩm định sẽ cần thẩm định những nội dung gì về mặt công nghệ. Điều 19 cũng quy định rất nhiều tài liệu và những hồ sơ doanh nghiệp phải nộp khi thẩm định. Theo đại biểu đối với những dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì nên lược bỏ một số các nội dung thuộc nghĩa vụ tự thân của doanh nghiệp phải quan tâm, khi họ đầu tư thì chúng ta không nhất thiết phải báo cáo. Những vấn đề về mặt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc những vấn đề đó và trong luật chỉ cần đặt ra những mục tiêu thẩm định.

Đại biểu đề nghị để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bổ sung tại Điều 18 về trình tự, thủ tục một điều quy định về vấn đề một cửa, một đầu mối và quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, cục, vụ, sở vì hiện nay thực tế khi doanh nghiệp đi xin giấy phép thì phải qua rất nhiều đầu mối khác nhau. Đồng thời, cần có quy định rõ hơn là trong thời hạn bao nhiêu ngày mà các đơn vị, sở, ban, ngành, các bộ, ngành có liên quan cần phải cho ý kiến. Quá thời hạn đó thì cơ quan chủ trì thẩm định có quyền và có nghĩa vụ quyết định trả lời ý kiến cho doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng – tỉnh Hoà Bình cho rằng, về cơ bản của các thiết kế của Luật phù hợp nhưng đi sâu vào các nội dung cụ thể còn một số vấn đề cần phải làm rõ. Cụ thể, Khoản 1, Điều 14 dự thảo Luật có quy định đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư được thực hiện theo quy trình của Luật đầu tư công. Tuy nhiên, Luật đầu tư công chỉ quy định chủ yếu về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và trình tự thẩm định chủ trương đầu tư mà không có quy định về thẩm định công nghệ.

 

Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Thu Hằng, luật nên bổ sung quy định cụ thể những trường hợp nào chủ đầu tư xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực và trường hợp nào phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai dự án. Như vậy, theo đại biểu, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn thì quy định về thẩm định công nghệ nên được thiết kế theo hướng quy định từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư đến khâu quyết định đầu tư và trong mỗi giai đoạn nên quy định cụ thể về hồ sơ trình tự thủ tục thực hiện. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định cụ thể đối với hồ sơ và thủ tục thẩm định công nghệ đối với dự án đầu tư công.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để tránh một vấn đề nhiều cơ quan kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường thêm trách nhiệm của hội đồng tư vấn, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tránh tình trạng doanh nghiệp tiếp nhiều đoàn kiểm tra và những nội dung khác.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo