Gỡ 'nút thắt' nhân lực logistics
Victoria Motor: Hành trình xanh của một thương hiệu Việt / Xưởng men vi sinh Ngân Nguyễn: Ươm mầm giải pháp xanh, lan toả hành động vì môi trường
Mở rộng vai trò
Đại hội VALOMA nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng cho năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng nguồn nhân lực lại đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Trung Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ), khẳng định logistics vẫn còn là một “nút thắt” lớn của nền kinh tế. Ông đánh giá cao vai trò của VALOMA trong nhiệm kỳ qua như một cầu nối hiệu quả giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp, góp phần xây dựng, phản biện chính sách và chuẩn hóa chương trình đào tạo.
Đưa ra góc nhìn chiến lược, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực logistics thời gian tới là rất lớn. Các xu hướng chính sách, thậm chí về thể chế cơ chế đặc thù đều nhấn mạnh tới yêu cầu về nguồn nhân lực. Qua đó cho thấy đây là yêu cầu quan trọng và xu thế phát triển sẽ rất cao.

Từ đó, ông Hiếu gợi ý VALOMA không nên bó hẹp mình trong công tác đào tạo. Thời gian tới, VALOMA nên tăng cường năng lực và chủ động phản biện, góp ý cho các chính sách liên quan logistics thực tế hơn. Hiệp hội nên tham gia góp ý cho cả các quy hoạch hạ tầng logistics, tư vấn nguồn nhân lực cho các địa phương, và triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực tại doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đề nghị VALOMA quan tâm hơn đến các khu vực như miền Trung, Tây Nguyên, nơi hoạt động còn hạn chế.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, VALOMA chăm sóc tốt hơn cho hội viên, tất cả hoạt động của hiệp hội là hướng đến hội viên.
“Không thể chỉ là một tổ chức hướng nội, cần hướng mạnh ra bên ngoài. Quan tâm đến những vấn đề của hoạt động logistics, góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước. Kết nối với các hiệp hội bạn trong cùng lĩnh vực và mở rộng quan hệ quốc tế”, ông Hải đề xuất.
Nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới thực tiễn
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, PGS, TS, Nguyễn Thanh Chương - Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, hiệp hội đã tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực giảng viên, rà soát chương trình đào tạo và kết nối doanh nghiệp với nhà trường.

Với vai trò quan trọng của logistics trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân và nhân lực logistics là nhân tố then chốt, góp phần cho sự phát triển của ngành logistics, trong nhiệm kỳ II, VALOMA sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của giảng viên như tổ chức các khóa tập huấn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, các buổi chia sẻ qua nhiều hình thức đa dạng. Dự kiến mỗi năm tổ chức được 2 khóa tập huấn, 2 hội thảo/tọa đàm chuyên môn sâu.
Hiệp hội cũng tiếp tục hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, cải thiện nguồn học liệu về logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Thành lập tổ công tác để xúc tiến và bước đầu thực hiện trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên giữa các trường thành viên VALOMA. Đồng thời, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để xây dựng khung/chuẩn chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng bậc đại học, sau đại học...
Để nâng cao chất lượng, TS Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở đào tạo cần chủ động cập nhật chương trình 2 năm/lần, chú trọng các xu hướng mới như e-logistics, AI trong chuỗi cung ứng, quản trị ESG. Mô hình “doanh nghiệp đồng hành - giảng viên song hành - sinh viên chủ động” và tăng cường chia sẻ học liệu mở là điều hiệp hội cần lưu tâm.
Tại đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ II (2025 - 2029) gồm 23 thành viên. PGS, TS, Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải, được bầu làm Chủ tịch VALOMA nhiệm kỳ mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo