Hiệp hội kinh doanh vàng lại kiến nghị lập sàn vàng quốc gia
Theo đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đánh giá, từ khi Nghị định 24 của Chính phủ và các Thông tư 16, 38 của NHNN có hiệu lực đến nay, thì công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.
Theo đó, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước đây; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao; ngăn chặn được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán.
Đặc biệt, việc NHNN đã không cho phép các ngân hàng thương mại huy động, cho vay vàng, không cho phép sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào Bảng cân đối tài sản của các NHTM nên đã tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển ổn định và không bị chi phối, điều tiết bởi các nhà tạo lập thị trường là các ngân hàng thương mại.
Tuy vậy, theo đánh giá của hiệp hội, Nghị định 24 còn nhiều bất cập như khiến doanh nghiệp tốn kém, rủi ro, gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC; làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; tạo ra sự bất cập, rủi ro về chất lượng và pháp lý cho người dân; tạo giấy phép con cho các doanh nghiệp...
Do đó, để Nghị định phù hợp hơn với thực tế, Hiệp hội đề nghị cần trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 24 với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tổng thể để phát triển thị trường vàng Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiệp hội cũng đề nghị bãi bỏ quy định cấp giấy phép đối với các hoạt động sau đây: Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để tái xuất khẩu; Nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đối với việc đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh vàng miếng và thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN là phù hợp, nhằm tránh tạo ra giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém về thời gian, chi phí và mất cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Hiệp hội kinh doang vàng Việt Nam cũng đề nghị cần làm rõ các hoạt động kinh doanh vàng thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác nhằm tránh tạo ra kẽ hở và tạo ra cơ chế xin cho không cần thiết.
Hiện nay thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định nên kính đề nghị NHNN nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng; đồng thời góp phần huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.
Về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, cần quy định quản lý cả hoạt động sản xuất và lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Sửa đổi Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng để cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị NHNN tổ chức buổi Tọa đàm với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vàng để có những đánh giá cụ thể hơn về những quy định của Nghị định 24 và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như quá trình áp dụng các văn bản pháp lý này trong thời gian qua để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay và thông lệ quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo