Hiệp hội Mía đường: Thứ trưởng khôi hài
Hiệp hội Mía đường vừa có công văn gửi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú về những đánh giá của Thứ trưởng về Hiệp hội này.
Theo Hiệp hội Mía đường, việc đánh giá của Thứ trưởng về khó khăn của ngành mía đường và đề nghị không cho Nhà máy Đường Biên Hòa nhập khẩu đường thô của Hoàng Anh Gia Lai là chưa chuẩn xác, tạo ra cách nhìn méo mó về Hiệp hội.
Do đó, Hiệp hội đã đưa ra 7 vấn đề để phản bác ý kiến của Thứ trưởng.
Phản đối Hoàng Anh Gia Lai nhập đường
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Nhập đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào về vừa mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp vừa ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không cho Hoàng Anh Gia Lai mang sản phẩm về Việt Nam thì sản phẩm ấy mang đi đâu? Hoàng Anh Gia Lai làm kinh tế, nhưng mục tiêu kinh tế của Hoàng Anh Gia Lai là mang lại lợi ích chính trị cho đất nước …”.
Về vấn đề này, Hiệp hội Mía đường đưa ra quan điểm: chúng tôi không phản đối việc giúp đỡ nước bạn Lào, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào nhưng phải với phương án không làm thiệt hại đến nền kinh tế đất nước, đến hàng triệu nông dân Việt Nam đang trồng mía chưa có điều kiện chống đỡ trước làn sóng hội nhập, họ đang dựa vào sự bảo hộ của các Công ty đường trong nước qua giá mua mía.
“Chúng tôi cũng đang làm kinh tế, đang góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, ổn định cho một bộ phận không nhỏ của xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hàng năm đem lại giá trị tổng sản lượng trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD; nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể khoản nợ trả thay do Nhà nước đầu tư giao lại khi cổ phần hóa; giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động tại các nhà máy và các dịch vụ liên quan”, công văn của Hiệp hội viết.
Ngỡ ngàng vì bị coi là con cưng
Khi được hỏi về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp mía đường trong nước, Thứ trưởng có ví von rằng: “Tất cả các đứa con cưng đều hư, tôi khẳng định như thế! là con cái chúng ta, cưng chiều lắm thì sẽ hư, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng vậy, chiều lắm cũng hư”!
Trước thông tin này, Hiệp hội Mía đường tỏ ra vô cùng ngỡ ngàng, vì đến giờ Thứ trưởng vẫn cho rằng DN mía đường là DNNN.
“Chúng tôi không phải là doanh nghiệp nhà nước, mà là doanh nghiệp cổ phần gồm những người nghe theo lời vận động của Chính phủ, đã kề vai gánh lấy khoảng nợ khổng lồ của các nhà máy đường thuộc DNNN 10 năm trước đây liên tục thua lỗ đang bên bờ vực phá sản. Hiện nay, Nhà nước chỉ là cổ đông hoặc thậm chí không còn là cổ đông trong các doanh nghiệp này. Chúng tôi biết thân phận mình nên không dám đòi hỏi gì ngoài việc xin một chính sách hợp lý, công bằng, và sự nghiêm túc của Nhà nước trong việc thực thi các chính sách đó. Thứ trưởng đã nuông chiều ai và ai đã hư qua sự nuông chiều ấy của Thứ trưởng?”, công văn viết.
Để minh chứng cho việc không phải là con cưng, Hiệp hội dẫn chứng thời gian qua liên tục kêu ca về đường nhập lậu, tình trạng yếu kém của nền nông nghiệp mía, đề nghị ngừng tạm nhập tái xuất, đề nghị cho xuất khẩu đường tồn kho… nhưng đều chưa được xử lý hoặc xử lý chậm.
Thứ trưởng khôi hài
Phản bác lại khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: “Hiệp hội luôn luôn nói 2 giọng khi vào vụ mía đường thì họ nói rằng thừa đường và có đường buôn lậu, nhưng cuối vụ thì giọng họ khác ngay và họ đẩy giá lên”, công văn của Hiệp hội Mía đường cho rằng, đánh giá trên không thực tế và có vẻ khôi hài.
Bởi thực tế, giá lên, giá xuống là do quy luật cung cầu quyết định, không phải muốn đẩy giá lên là lên, muốn kéo giá xuống là xuống trong khi ta không có tổ chức và đầu mối dự trữ để điều tiết cung cầu, sách vở và thực tế đều xác nhận điều này. Thực chất thị trường đường Việt Nam thời gian qua do không kiểm soát được buôn lậu, không tập trung đầu mối nhập khẩu đường để quản lý như các quốc gia khác nên việc cân đối cung cầu đường chỉ là hình thức. Căn cứ giá đường trên thị trường mà chúng ta biết được cung thừa hay thiếu.
Hiện nay, có 2 nguồn cung chủ yếu là sản xuất đường trong nước và đường nhập lậu, mà lượng đường nhập lậu thì rất lớn. Theo đánh giá của Hiệp hội, hiện nay, nếu không có đường nhập lậu thì không phải lo nhiều cho xuất khẩu.
Không lợi ích nhóm, chỉ là “dựa vào nhau”
Cũng trong buổi trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, có hiện tượng lợi ích nhóm trong ngành mía đường. Về vấn đề này, Hiệp hội khẳng định, sản xuất mía đường luôn gắn kết mật thiết quyền lợi của các nhà máy đường cả nước với người trồng mía cả nước. Các nhà máy đường sản xuất kinh doanh có lãi thì mới có thể tồn tại để tiêu thụ mía cho dân; người dân trồng mía có lãi thì mới tiếp tục trồng mía cung cấp cho nhà máy.
“Chúng tôi dựa vào nhau để tồn tại. Thứ trưởng cho chúng tôi vì lợi ích nhóm nhưng nhóm của chúng tôi gồm các nhà máy đường cả nước và hàng triệu nông dân. Vậy có gọi là nhóm được không? Còn Thứ trưởng nghiêng về việc ủng hộ sự hợp tác giữa Công ty cổ phần đường Biên Hòa và Hoàng Anh Gia Lai, tìm cách tháo gỡ cho Hoàng Anh Gia Lai được đưa đường về nước…, không phải vì lợi ích nhóm chứ?”, Hiệp hội đặt câu hỏi.
Đúng là không có Hiệp hội nào như Hiệp hội Mía đường
Nói về tư duy bảo hộ của Hiệp hội Mía đường, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhận xét: “Không có Hiệp hội nào như Hiệp hội Mía đường”.
Nhận xét này, được Hiệp hội tán thành một cách mỉa mai. Lý do là trong bối cảnh hiện nay, DN mía đường có nguy cơ lỗ nhưng vẫn mua giá mía cao cho người dân.
"Đúng là không có Hiệp hội nào như Hiệp hội Mía đường vì đâu có Hiệp hội nào bao tiêu toàn bộ nông sản của dân, lời lỗ cũng phải mua hết mía cho dân. Đâu có Hiệp hội nào bảo hiểm giá nông sản cho dân trong khi không ai bảo hiểm cho doanh nghiệp mía đường…?”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường nói.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức phải kê khai giá
Giá vàng thế giới: Bật tăng mạnh sau 6 phiên giảm liên tiếp
Phát triển nông nghiệp xanh phải đổi mới tư duy sản xuất
Kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng thủ tục hành chính vẫn là rào cản
Giá nông sản ngày 19/11/2024: Cà phê quay đầu tăng nhẹ, hồ tiêu ổn định
Giá ngoại tệ ngày 19/11/2024: USD tiếp tục giảm nhẹ, chốt phiên ở mốc 106,22 điểm
Cột tin quảng cáo