Hiệp hội phải hướng đến sự chuyên nghiệp
Về vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam để làm rõ câu hỏi: Vai trò của hiệp hội như thế nào trong việc tham gia vào những vấn đề, chính sách quan trọng.
Thời gian gần đây, hoạt động phản biện, góp ý chính sách, pháp luật được các hiệp hội quan tâm và dần trở thành một chức năng chính của hiệp hội. Theo ông, đây có phải là tiêu chí để đánh giá năng lực của hiệp hội?
Đúng vậy, thời gian gần đây, hoạt động lấy ý kiến DN thông qua hiệp hội về những chính sách Nhà nước, chính sách pháp luật khá nhiều, đến mức nguyên chuyện đi họp cũng chiếm thời gian rất lớn của cán bộ hiệp hội. Điều này cũng thể hiện rằng, nhiều hiệp hội tích cực tham gia, đóng góp xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật một cách có hệ thống, từ tổ chức tham vấn hội viên đến nghiên cứu phục vụ phản biện và góp ý chính sách. Có thể nói đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực hoạt động hiệp hội. Việc tham vấn hiệp hội, DN cũng thể hiện một điều tốt là Nhà nước quan tâm ý kiến của DN. Tuy nhiên những vấn đề được Nhà nước tiếp thu chưa khiến DN thỏa mãn.
Chất lượng góp ý của hiệp hội đã tốt chưa, thưa ông?
Chất lượng ý kiến đóng góp của hiệp hội có khác nhau do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là về tổ chức, có hiệp hội có sự tổ chức chặt chẽ, quy mô, có hiệp hội lại lỏng lẻo, có hiệp hội thực hiện đúng theo bản chất là đại diện cho DN hội viên phản ánh ý kiến, truyền đạt những chính sách của Nhà nước tới hội viên nhằm phát triển DN, cũng có hiệp hội chỉ lo cho lợi ích nhóm, bảo vệ những cái lợi cho mình.
Về trình độ, chất lượng ý kiến của hiệp hội cũng xuất phát từ bản thân cán bộ hiệp hội đó, bởi phản hồi chính sách gồm nhiều lĩnh vực từ thuế, tài chính đến nghiệp vụ chuyên ngành hay quan hệ lao động việc làm, định hướng phát triển hội nhập… Do đó, hiệp hội phải có người có đủ trình độ để nhận biết việc đó và tổng hợp được ý kiến của DN để xem xét và phản ánh điều luật cần bổ sung sửa đổi chỗ nào, vấn đề gì.
Nói về nguyên nhân thời gian thì đối với một cán bộ chuyên trách như tôi nhiều khi cũng thấy không đủ thời gian để nghiên cứu và phản hồi ý kiến đối với các vấn đề, chính sách liên quan.
Với nhiều nguyên nhân tác động tới chất lượng của những ý kiến góp ý, phản hồi của hiệp hội như vậy, theo ông, năng lực, vai trò của hiệp hội hiện nay đã đủ lớn để có tiếng nói nhất định đối với những vấn đề quan trọng của đất nước hay của ngành nghề hiệp hội đó chưa?
Tôi không dám nói hết nhưng qua tiếp xúc một số hiệp hội, phần lớn cán bộ hiệp hội đều có trình độ đáp ứng được yêu cầu để đưa ra góp ý chất lượng với những vấn đề quan trọng của ngành hay yêu cầu của hội nhập.
Còn nói đến vai trò của hiệp hội, cần phải nhìn lại bức tranh hiệp hội hiện nay. Hiện có nhiều hiệp hội, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương đều có hội, hiệp hội, chồng chéo nhau. Ví dụ đã có Hội đồng doanh nhân nữ bao trùm tất cả doanh nhân nữ toàn quốc rồi nhưng vẫn có Hội doanh nhân nữ Hà Nội, hoặc đã có Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nhưng cũng có Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, Hội DN trẻ Hà Nội, đã có Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam và cũng có Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội… Có lẽ chúng ta chỉ còn thiếu Hiệp hội DN lớn nữa mà thôi.
Trong số những hiệp hội, những hiệp hội ngành nghề thường đưa ra được tiếng nói của ngành nhiều hơn, xây dựng được kế hoạch phát triển cho hội viên tốt hơn vì hội viên hoạt động trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực còn những hiệp hội được xây dựng không vì mục đích của ngành thì chưa làm được như vậy.
Ngoài ra cũng có nhiều hiệp hội thay vì dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề của ngành để nói lên tiếng nói của mình, góp ý đề xuất với ban, ngành chức năng thì lại hay tổ chức nhiều hoạt động khác như tổ chức các giải golf, tennis, bóng bàn… Có thể nói đây là những hiệp hội nhưng chức năng chỉ như một câu lạc bộ. Nhưng chính những “câu lạc bộ” như thế lại hay làm đình làm đám, hàng năm tổ chức đại hội rình rang có thể khiến người ta tưởng lầm là có vai trò lớn. Trong khi đó những hiệp hội ngành nghề thì không như vậy bởi họ hoạt động trong lĩnh vực hẹp, không cần PR.
Dường như câu chuyện lại quay về năng lực của hiệp hội. Vậy làm thế nào để nâng cao năng lực của hiệp hội, thưa ông?
Kinh tế thị trường có 2 mặt, hiệp hội cũng thế thôi. Tới đây công tác hoạt động của các hiệp hội cần được thực hiện tốt hơn nữa, hướng đến sự chuyên nghiệp, bởi nâng cao được năng lực hoạt động từ đó mới nâng cao được vai trò của hiệp hội. Để đạt được điều đó, một mặt, từ lãnh đạo đến cán bộ hiệp hội phải am hiểu ngành đó và quan trọng không kém là phải thực sự “yêu nghề”, làm việc vì cái tâm mà không đòi hỏi vật chất lớn, bởi lương của cán bộ hiệp hội cũng chỉ có một mức thù lao nhất định.
Mặt khác, các hội viên cũng cần thay đổi tư duy. Khi có ý định tham gia vào hiệp hội, hội viên đó luôn hỏi “Tôi được cái gì” mà không bao giờ hỏi “Tôi phải làm gì”. Nhiều hội viên muốn vào hiệp hội chỉ để muốn hưởng lợi ngay mà không biết họ cần phải làm đã rồi chính việc làm đó sẽ dần mang lại lợi ích cho họ.
Tựu chung lại, trong một thế giới đầy biến động và hội nhập như hiện nay, để hiệp hội ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò cầu nối của mình, các hiệp hội cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin và chủ động cảnh báo cho hội viên cũng như có những phản hồi kịp thời, thích hợp để Nhà nước điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Cùng với đó, các thành viên hiệp hội cũng phải nâng cao trách nhiệm của mình.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên