Hỗ trợ doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, hỗ trợ DN phải là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt là hạn chế tư duy “tranh thủ tăng giá” khi lạm phát thấp...
Dư địa cho các can thiệp chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bị thu hẹp đáng kể. Nhưng nếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn cộng với chính sách khoan sức dân sẽ gia tăng niềm tin vào chính sách giúp tăng trưởng cao hơn.
TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
Trong giới chuyên gia đã từng đặt những câu hỏi về mức tăng “bất ngờ” của GDP quý I là 6,03%. Vậy mức tăng trưởng này có được từ đâu?
Tôi không bàn về con số 6,03% “bất ngờ” ở mức nào. Tôi nhìn ở khả năng có thực hiện. Trước hết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và củng cố vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với cùng kỳ nhiều năm. Niềm tin đối với hoạt động tiêu dùng và đầu tư – kinh doanh đang dần khởi sắc.
Quý I cho thấy tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước với sự phục hồi của sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Chính phủ vẫn nhấn mạnh yêu cầu phục hồi kinh tế. Rõ ràng cho đến tháng 4 này, xu hướng tăng trưởng cao hơn vẫn được duy trì.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2015 do CIEM và nhóm chuyên gia tư vấn của Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV) thực hiện cho rằng: tiêu dùng tăng, tích lũy tài sản cũng tăng, công nghiệp phục hồi khá đã dẫn dắt tăng trưởng. Điều này cũng chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng đã được cải thiện nhanh hơn trong quý I. Đó có thể là kết quả của các biện pháp cải cách thể chế và tái cơ cấu kinh tế được thực hiện trong các năm 2013-2014.
Sau 4 tháng thấy các chỉ số tốt là tăng trưởng tín dụng, nhập khẩu máy móc thiết bị, chỉ số phát triển công nghiệp. Các chỉ số có chuyển biến, là tỷ lệ đầu tư/GDP, vốn FDI thực hiện, tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá ổn định, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Vi mô đã cải thiện nhiều hơn, cộng với sự ổn định vĩ mô nên niềm tin với hoạt động sản xuất – kinh doanh được cải thiện sẽ góp phần tăng đầu tư, tăng sản xuất kinh doanh… Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2015 tăng 35,6% so với tháng trước. Trong 4 tháng đầu năm có 28.235 DN mới thành lập tăng 9,7% về số DN và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014, chỉ có 3.249 DN giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,2% hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên những cải thiện trong 4 tháng mới là kết quả bước đầu. Vẫn còn nhiều lĩnh vực phải cải thiện như sản xuất nông nghiệp, sự sụt giảm khách du lịch nước ngoài…
Tuy nhiên nhìn vào tình hình 4 tháng qua, tôi vẫn có điều băn khoăn.
Ông băn khoăn điều gì?
Có điểm tôi cứ băn khoăn sao mãi ta không làm được là cứ để cho thương lái chi phối thị trường, làm thiệt cho nông dân. Tại sao năm nào nông sản cũng ùn ở cửa khẩu, nhiều năm rồi vẫn thế. Rồi có những người đi mua rễ cây hồi, lá khoai lang, lá cây điều… hồi đào lên bán rễ thì mất thu hoạch vụ sau, điều bứt lá thì giảm sản lượng… Tại sao thương lái họ làm thế, có ý gì không tốt ở đây. Và những hiện tượng thế này xuất hiện nhiều năm nhưng sao khi có hiện tượng thu gom kỳ lạ, không thấy cơ quan chức năng và chính quyền kịp có biện pháp thích hợp?
Về chiều nhập khẩu thì hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đầy thị trường. Vậy tại sao ta chưa chống được? Đây là những bài học mà theo tôi học mãi không thuộc và là câu hỏi rất đáng rất đáng nghiên cứu, cũng là nhắc nhở vấn đề kiên quyết thực hiện đến đâu.
Lạm phát ổn định và đã ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Nhiều ý kiến cho đây là một thành công nhưng cũng có ý ngược lại. Và với mức lạm phát thấp thế này, dư địa cho chính sách thế nào, theo ông?
Đánh giá chung là Chính phủ đã thành công trong kiềm chế lạm phát vì đã giữ lạm phát thấp theo Nghị quyết 11/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cộng với giá dầu thô thế giới giảm. Ý kiến ngược lại vì cho rằng, đúng là Nghị quyết 11 có hiệu quả nhưng lại do tác động từ giá dầu thô nhiều hơn. Ý kiến chiều này cũng đặt dấu hỏi lạm phát thấp thì tổng cầu thấp, tổng cầu thấp ảnh hưởng đến tăng trưởng và nếu tiếp tục thấp nữa, sẽ là đáng lo.
Với cả 2 ý kiến đó, thì Chính phủ hành động thế nào?
Chính phủ có thể kích cầu bằng nới chính sách. Chính phủ có dư địa để làm điều đó không khi thâm hụt ngân sách lớn, nợ công cao, trái phiếu chính phủ được phát hành nhiều rồi?
Tôi thì kiên quyết không đồng tình nới lỏng chính sách tài khóa nhưng tôi mong tín dụng đến được với dân doanh nhiều hơn.
Nhưng tôi thấy rằng Chính phủ thực sự đã nới lỏng tài khóa vì muốn có cầu cao hơn để kích thích tăng trưởng nhưng không dễ làm khi tài khóa đã được Quốc hội quyết từ đầu năm, quyết cả cho vay cà phê bao nhiêu, đóng tàu bao nhiêu, vì thế mà phải dồn nhiệm vụ cho vay sang phía ngân hàng. Vậy là ngân hàng đang phải chạy theo cho vay các chương trình này tức là đang phải làm cả việc đáng lẽ ra tài khóa phải làm.
Trong buổi trao đổi về tình hình kinh tế những tháng đầu năm, nhiều ý kiến không tán thành với những chính sách tăng thuế với cảm nhận là đang cố để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm ngân sách?
Những ý kiến này đưa ra khi thấy về phía thu ngân sách chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu do giá dầu giảm, trong khi áp lực trả nợ cao, và chi ngân sách vẫn lớn. Vậy có các khoản thu nào đó để bù đắp? Những ý kiến này cũng ám chỉ tới quyết định tăng thuế và một số phí khác. Có vẻ như ngành Tài chính đang chịu áp lực đã được giao chỉ tiêu thì phải đạt được.
Tôi không bàn về những chính sách thuế cụ thể. Quan điểm của tôi là nên có chính sách khoan sức dân khoan sức doanh nghiệp. Hỗ trợ DN phải là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt là hạn chế tư duy “tranh thủ tăng giá” khi lạm phát thấp. Nhân lúc này, lúc giá dầu thấp, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam thấp là phải tiếp tục cải cách nhanh mạnh để tạo điều kiện cho DN, nhất là DN dân doanh phát triển. Như thế, về dài hạn sẽ ngược trở lại tạo nguồn thu ngân sách dài hạn tốt hơn.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo