Hỗ trợ phát triển thuỷ sản: “Cò” vay vốn đã chạy trước!
Việc triển khai Nghị định 67/2014/ NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản mới ở giai đoạn khởi động, nhưng nghi vấn xuất hiện “cò” vay vốn theo chính sách này đã có từ cách đây hơn một tháng.
Ngày 5.7, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - đã chỉ đạo Sở NNPTNT; UBND các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi; Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi và cả công an tỉnh vào cuộc.
“Cò” có - không?
Theo lời ông Đỗ Hồng Phước - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) - dư luận về việc cò vay vốn đến địa phương bắt đầu từ bà Nguyễn Thị Năm (ngụ ở thôn Phổ An). Câu chuyện bà Năm tình cờ chia sẻ đã đến tai các phóng viên đến địa phương tìm hiểu về tình hình triển khai Nghị định 67 (NĐ 67).
Bà Năm cho biết, cách đây hơn một tháng, khi NĐ 67 chưa có hiệu lực, thì có người đến nhà bà và “xin” được làm thủ tục, giấy tờ cho gia đình bà vay vốn cải hoán tàu đánh bắt xa bờ với mức hoa hồng là 5% số tiền vay được. Theo nhận định của ông Phước thì: “Người này chắc là người ở địa phương chứ nếu nói ngân hàng thì oan cho họ”.
Gặp bà Năm để tìm hiểu cụ thể thì bà cho biết thêm, người tìm đến nhà là một thanh niên khoảng 25-30 tuổi, nói giọng Quảng Ngãi, người này không yêu cầu bà Năm ứng trước tiền, và hứa sẽ chỉ nhận tiền sau khi vay được vốn. Do vậy, bà Năm đoan chắc người này không phải là lừa đảo mà là cò giấy tờ, thủ tục.
Nhà bà Năm có con tàu 110 CV, nhưng bà có 4 con trai, và 2 con rể, cùng với chồng bà thì gia đình có đến 7 người đi biển và có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Nghe chính sách mới của Chính phủ, bà Năm và chồng muốn vay vốn đóng tàu lớn để làm ăn “to”, cải thiện kinh tế gia đình.
Thấy có người tìm đến tận nhà để làm giúp thủ tục cho vay, bà Năm đã hội ý với chồng, nhưng sau khi gọi vào cho các con đang sống ở TP.Hồ Chí Minh thì các con bà Năm khuyên can bà nên đợi đến ngày 25.8, khi NĐ có hiệu lực để vay theo đúng thủ tục. Bẵng đi khoảng một tuần, người này trở lại nhưng bà Năm từ chối tiếp vì đã thống nhất ý kiến với chồng con. Sau đó, người này không xuất hiện nữa.
Sáng 6.9, khi PV đến trụ sở UBND xã Nghĩa An để xác minh vụ việc trên thì đúng lúc xã tổ chức buổi họp dân để triển khai NĐ/67, buổi họp này do ông Đỗ Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An chủ trì. Tiếp xúc sau buổi họp, ông Minh thừa nhận có nghe người dân nói về chuyện xuất hiện cò vay vốn.
Ông Minh cho biết mục đích cuộc họp này là phổ biến những thủ tục, điều kiện cho người dân nắm rõ, và phát phiếu để ngư dân đăng ký vay vốn theo NĐ/67. Nhưng khi được hỏi quan điểm của xã về việc có hay không có cò thì ông Minh không khẳng định gì với lý do: “Anh nói thì cũng như bí thư nói thôi chứ có gì mới đâu” (trước đó ông Trần Ngọc Xôn - Bí thư xã Nghĩa An trả lời rằng, sẽ sớm tổ chức họp dân để triển khai NĐ/67, không nghe theo thành phần lợi dụng chính sách để làm dịch vụ).
Tỉnh vào cuộc ngăn chặn
Ngay sau khi có dư luận về việc “cò” NĐ/67 xuất hiện ở Quảng Ngãi, ngày 5.7, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - đã chỉ đạo Sở NNPTNT; UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi; Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; và cả công an tỉnh vào cuộc.
Trong công văn gửi đến các cơ quan trên, ông Thọ yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã ven biển tổ chức thực hiện tốt việc rà soát, tổng hợp, lập danh sách các chủ tàu được vay vốn theo NĐ/67 và yêu cầu các địa phương đảm bảo tính công khai, minh bạch, trực tiếp hướng dẫn thủ tục cho chủ tàu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “cò” vay vốn ngân hàng tại địa phương.“Nếu địa phương nào thực hiện không nghiêm túc thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh” - công văn nêu.
Ngư dân sợ “không tới lượt”
Thực hiện NĐ/67, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ 189 tàu cá đóng mới (trong đó có 174 tàu khai thác, 15 tàu hậu cần). Trong đó, huyện Bình Sơn 45 tàu (44 tàu khai thác, 1 tàu hậu cần), TP.Quảng Ngãi 60 tàu (52 tàu khai thác, 8 tàu hậu cần), huyện Mộ Đức 2 tàu khai thác, huyện Đức Phổ 47 tàu (45 tàu khai thác, 2 tàu hậu cần), huyện Lý Sơn 35 tàu (31 tàu khai thác, 4 tàu hậu cần).
Trong khi đó, Quảng Ngãi có khoảng 5.700 tàu cá với 45.000 lao động (số liệu do ông Võ Văn Thưởng công bố tại cuộc họp với Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng ngày 12.3.2014). Nhiều ngư dân khi nghe con số 189 tàu cá cho 5 huyện, TP đã bộc bạch rằng: “Thế thì làm gì đến lượt mình!”.
Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo