Hóa đơn điện tăng cao vì ghi sai số công tơ?
“Ăn gian” hơn 270.000 đồng tiền điện
Thấy nhiều khách hàng kêu hóa đơn điện hai tháng gần đây tăng đột biến, anh N.Q.H (Phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) cũng thử kiểm tra lại chỉ số hóa đơn điện tháng 5 và 6 của nhà mình để xem có gì bất thường. Anh H cho biết, hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình anh có cao hơn khoảng 50 kWh so với tháng trước, tuy nhiên đến tháng 6 khi nhận hóa đơn anh H ngỡ ngàng tiền điện tháng đó anh phải đóng lên gần 900.000 đồng.
Thiết bị điện sử dụng trong nhà chủ yếu là tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy tính và bóng đèn chiếu sáng. Thông thường mức sử dụng hàng tháng dao động khoảng 300.000-600.000 đồng nhưng tháng này lên đến gần 900.000 đồng, vơ chồng tôi tá hỏa không hiểu sao tiền điện lại nhiều như thế khi khi mức sử dụng không thay đổi; chắc chắn có gì khuất tất ở đây”- Anh H thắc mắc.
Anh H gặp trực tiếp nhân viên Đội Quản lý điện 1 (Công ty Điện lực Đống Đa, EVN Hà Nội) yêu cầu kiểm tra đối chiếu. Theo đó, chỉ số trên hóa đơn chốt ngày 5-7 là 9191 nhưng kiểm tra thực tế trên đồng hồ ngày 6-7 mới chỉ 9032, tức là chỉ số trên hóa đơn cao hơn thực tế 159 kWh. “Sau khi phản ánh đến Điện lực Đống Đa, phía công ty cử nhân viên đến kiểm tra và thừa nhận có sai sót. Nhất là chỉ số chính xác tại thời điểm công nhân điện chốt công tơ ngày 5-7 chỉ là 9019, tức là chênh lệch 172 kWh, tương đương hơn 270.000 đồng”- anh H chia sẻ.
Nhà đèn nhận sai và hoàn tiền.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 13-7, bà Hoàng Thị Minh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa thừa nhận có sai sót đối với trường hợp của anh N.Q.H và đây là lỗi của nhân viên ghi chỉ số công tơ và rà soát hóa đơn. Theo đó, sau khi dùng thiết bị chụp màn hình công tơ điện, nhân viên nhập số liệu vào máy tính bảng bị nhầm số, dẫn đến kết quả tính toán trên hóa đơn bị sai, làm cho sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao so với tháng trước. Cụ thể, nhân viên đã bấm nhầm số giữa số 0 và 1 trên bảng tính ghi chỉ số. Đặc biệt, khi phát hiện sai sót, các nhân viên này đã tự thỏa thuận với khách hàng mà không báo cáo sự việc với lãnh đạo công ty.
Theo bà Minh, hiện tại Công ty Điện lực Đống Đa đã sửa lại hóa đơn và hoàn số tiền bị chênh lệch cho khách hàng. Đồng thời, hội đồng kỉ luật của công ty đã tiến hành họp xử lý đối với các cá nhân có liên quan đến sai sót trên. Cụ thể, đơn vị này đã cắt các danh hiệu thi đua năm 2015, giảm 50% tiền thưởng quý III của Đội Quản lý Điện 1 và lãnh đạo quản lý. Thi hành kỷ luật lao động đối với ông Nguyễn Sỹ Tân, Đội quản lý điện 1 và bà Lê Thanh Thủy, Tổ Điều hành hóa đơn, Phòng Kinh Doanh ở mức khiển trách.
Trước đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã đưa vào sử dụng công nghệ trong việc ghi chỉ số công tơ điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng. Theo đó, thiết bị này có khả năng chụp ảnh chỉ số công tơ và tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới, cảnh báo các sản lượng bất thường. Trong máy tính bảng có cài sẵn phần mềm tính toán chỉ số điện của khách hàng dùng trong tháng và kết quả được hiển thị trên màn hình ngay lập tức.
Theo đại diện EVN Hà Nội, việc ứng dụng giải pháp ghi chỉ số công tơ bằng camera kết hợp máy tính bảng sẽ giúp cải tiến, hiện đại hoá công tác ghi chỉ số công tơ hàng tháng; Cùng với đó cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. Trong quá trình ghi chỉ số, khách hàng có thể xem hình ảnh chụp chỉ số điện khách hàng sử dụng trong tháng, giám sát việc ghi chỉ sổ của công nhân điện.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về điện, việc áp dụng gậy chụp công tơ và máy tính bảng không mang lại lợi ích về kinh tế cũng như giảm nhân lực ghi chỉ số. Bởi công việc ghi chỉ số cũng cần đến hai nhân công thực hiện, không khác so với trước, trong khi đó ngành điện lại phải đầu tư khoản tiền lớn để mua sắm thiết bị công nghệ. Theo tìm hiểu trên thị trường, một bộ thiết bị công nghệ này có giá khoảng hơn 5 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo