Hoa kiểng ngậm ngùi ngóng... “chúa xuân”
Sau nhiều tháng “đánh vật” với thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh, giá nhiều mặt hàng vật tư đầu vào tăng… giờ đây nhiều nhà vườn trồng hoa tết ở ĐBSCL tiếp tục đối mặt với thua thiệt mới…
Giảm cả chất lẫn lượng
Về Sa Đéc (Đồng Tháp) vào cao điểm chạy “nước rút” cho vụ hoa tết, nhưng “thành phố hoa” của ĐBSCL. Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc Nguyễn Thanh Hùng cho biết, năm nay, các nhà vườn chỉ xuống giống 85ha với các mặt hàng truyền thống như: Cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, hồng nhung, hồng lửa... Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên số giỏ hoa sẽ giảm nhiều hơn con số 2,5 triệu giỏ như kế hoạch.
Nhiều diện tích cúc mâm xôi - loài hoa được mệnh danh là “nữ chúa” - bị trổ không đúng dịp tết. Khu vực Cua Ông Thung (Sa Đéc) có 3.000 giỏ (chậu) cúc mâm xôi bị bỏ chết khô sau khi chủ nhân sử dụng hết cách mà vẫn không cứu được. Ông Hồ Minh Thu - Uỷ viên Thường vụ Hội Sinh vật cảnh TP.Sa Đéc giải thích: “Năm nay mưa cuối mùa nhiều, không khí lạnh xuất hiện sớm khoảng 1 tháng so năm trước… vì vậy không chỉ có loài hoa khó tính như cúc mâm xôi, mà nhiều cây hoa khác dễ bị tác động với nhiều cấp độ khác nhau”. Theo ông Thu hiện có khoảng 40% số diện tích cúc mâm xôi bị trễ 20-30 ngày so dịp tết, nhưng số còn lại cũng ít đạt được tiêu chuẩn thị trường ngày tết do ít có được sự tương đồng về kích cỡ, màu sắc…
Tại An Giang, địa phương có thương hiệu “mai Tân Châu” nổi tiếng, nhiều chủ vườn cũng “chết đứng” trước nạn mai nở trễ vì trời se lạnh sớm. Là người lăn lộn với nghề, nhưng năm nay ông chủ vườn mai gần 2.000 gốc Lâm Bảo Yểu (Phú Tân - An Giang) vẫn “bó tay” trước hàng trăm cây mai chưa chịu lên nụ như thường lệ.
Thua trước vạch xuất phát
Ngoài sự bất thường của thời tiết, một nguyên nhân khác được nhiều người trong cuộc thừa nhận đó là nạn thiếu tay nghề. Nhiều nhà vườn phó thác cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật kê toa, hoặc tự pha trộn 3-5 loại thuốc vào để trị một chứng bệnh theo kiểu “không trúng món này cũng trúng món khác”.
Không chỉ gánh nỗi lo nhiều mặt hàng vật tư tăng đều hằng năm, nhiều người trồng hoa còn đối mặt với bất lợi trong khâu bán: Lệ thuộc vào người mua, thời gian tiêu thụ hoa tết rất ngắn nên không có được nhiều sự chọn lựa, “cò kè” giá. Việc trồng hoa tết không gắn với nhu cầu thị trường cả số lượng lẫn chủng loại… Trong khi dù đầu tư nhiều công sức, nhưng hầu như chẳng nhà vườn nào biết được giá bán khi mà đến nay giới thương lái vẫn chưa “lên tiếng”. Giá cả sẽ do thương lái áp đặt trên cơ sở trừ hao biến động thị trường nên năm nay khó lên cao.
ĐBSCL là thủ phủ cung cấp hoa trái cho cả nước đón xuân, vui tết, nhưng những người làm ra vị ngọt, sắc màu lung linh này luôn sống trong trạng thái phập phồng, thua lỗ. Làm gì để xoá bỏ nghịch lý đó và xác lập đường băng cho hoa trái ngày tết và ngày thường cùng cất cánh, là món “nợ” của các cơ quan chức năng với vùng đất này.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo