Hoa mắt nhìn Bạc Liêu đốt tiền... luộc trứng!
Có câu “công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng”, lãnh đạo ngày nay đã tiếp nối được truyền thống xưa, người dân nên mừng vui mới phải.
Người dân cả nước vừa mừng như trút được gánh nặng khi thoát được vụ đăng cai tổ chức ASIAD 19 dự kiến chi phí ban đầu tạm ước tính là 150 triệu đô thì nay lại buồn xỉu đi khi đọc bài báo: “Hơn 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử: “Đồng bào có chấp nhận không?”. Tính ra số tiền đã chi cho Festival này vào khoảng 100 triệu USD, tức là chỉ cần dấn thêm một tý là xứng ngang tầm với ASIAD 19.
Bài báo cho biết: “Theo các báo cáo chưa đầy đủ từ các ban quản lý dự án đến Ban tổ chức Festival, có trên 20 công trình được xây dựng, với giá trị đầu tư trên dưới 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí tổ chức lễ hội. Tất cả công trình này được xây dựng với lý do để phục vụ Festival. Tuy nhiên, khi Festival diễn ra, nhiều công trình quan trọng đã không được đưa vào phục vụ như mục đích xây dựng ban đầu”.
Cần nghiên cứu gấp bệnh dân...'tự té' !
Điểm sơ qua thì thấy hoa cả mắt: Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (có hình ba chiếc nón lá cách điệu nên nhân dân gọi là Nhà hát Ba nón lá) đầu tư đến 222 tỉ đồng không được sử dụng giờ nào trong Festival do xây dựng dở dang.
Quảng trường Hùng Vương trị giá 118 tỉ đồng; cột cờ quảng trường 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng; cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng…
Thế cho nên trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25.4, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng, đã kêu hiện nay tỉnh không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân nữa. Ông Võ Văn Dũng cũng cho biết bệnh viện tỉnh đang quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, bệnh nhi 2, 3 cháu nằm chung giường (cần đầu tư 767 tỉ đồng); còn 13/50 xã ô tô chưa đến được, trong đó có 11 xã chưa có đường ô tô, hai xã có đường nhưng xuống cấp (cần 800 tỉ đồng); tỉnh cũng còn đến 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc chưa có điện (cần đầu tư 203 tỉ đồng)…
Đọc đến những thông tin này nhiều người dân Bạc Liêu cho biết họ “mừng hết biết”, bởi chỉ cần xem qua cách chi tiêu thì đã có thể khẳng định lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đích thực là hậu duệ của công tử Bạc Liêu xưa rồi. Nào phải tìm kiếm đâu xa vị công tử đã đi vào một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Nghe danh Công tử Bạc Liêu, đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu!". Tập thể lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chứng tỏ mình tiếp nối được truyền thống “ăn chơi” của công tử Bạc Liêu qua vụ đầu tư cho Festival này.
Cũng phải nói qua một chút về môn nghệ thuật đờn ca tài tử, đó là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục, có thể ngồi hát trong sân vườn, rất gần gũi, dân dã.
Ấy vậy mà tỉnh Bạc Liêu đã phóng tay chi ra tới 222 tỷ đồng để xây dựng trung tâm nghệ thuật và Nhà hát Ba nón lá, rồi hàng chục hạng mục khác, tiêu tốn tới hơn 2000 tỷ đồng, đích thực là một trò “đốt tiền nấu trứng” không hơn không kém. Tuy nhiên hiện nay nhà hát này đang dở dang, lãnh đạo tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ thêm… 155 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thành.
Tiền của công tử Bạc Liêu đem ra phung phí tiêu xài hồi xưa dù gì cũng là tiền của cá nhân, của gia đình, còn tiền ngân sách chi cho Festival đờn ca tài tử này là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân. Cái lối chi tiêu của các lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu này, nếu công tử Bạc Liêu có sống dậy chắc cũng phải chắp hai tay mà vái lậy.
Giá kể bà con nông dân Bạc Liêu ai cũng giàu có xênh xang, ruộng đồng cò bay thẳng cánh chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng thì còn đỡ bức xúc. Đằng này dân đang phải nằm hành lang bệnh viện vì không đủ giường bệnh, chưa có đường để đi, chưa có điện, còn khổ như trâu như ngựa, vậy mà lãnh đạo vẫn thoải mái ném tiền vào những công trình phù phiếm xa hoa, hỏi còn sự trớ trêu nào bằng.
Không ai nói đầu tư cho văn hóa là sai, nhưng ở thời điểm này, khi đất nước còn nghèo, những điều kiện sinh hoạt thiết yếu như “điện đường trường trạm” của dân còn chưa đáp ứng được, thì những đầu tư lãng phí khổng lồ như vậy chẳng khác nào một tội ác.
Có lẽ sau vụ việc động trời này, cùng lắm các bậc lãnh đạo hậu duệ công tử Bạc Liêu cũng chỉ bị kiểm điểm, khiển trách. Còn cái khối công trình ngốn hàng núi tiền đó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chỉ có dân nghèo là khổ vẫn hoàn khổ.
Xót xa cho những đồng tiền thuế của dân đã bị đem ra “đốt tiền nấu trứng”, có lẽ cái đáng khen duy nhất của vụ đầu tư lãng phí khổng lồ này là các vị lãnh đạo đã không chỉ kế thừa truyền thống “ném tiền qua cửa sổ” của các bậc công tử đế vương xưa mà còn có bước tiến vượt bậc.
Tiếc là họ sinh nhầm thời, chứ phải chi họ đầu thai ngược về thế kỷ trước thì những giai thoại công tử Bạc Liêu “đốt tiền nấu trứng” hay “đốt tờ tiền to để soi cho bạn tìm tờ tiền nhỏ đánh rơi trong rạp hát” chỉ là chuyện tẹp nhẹp, mắt muỗi mà thôi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT