Hoàn cảnh bi đát của cô giáo mầm non sống đời sống thực vật
Hoàn cảnh mà Quỹ Vòng tay Nhân ái chúng tôi nhắc tới đây là cô giáo Lưu Thị Nguyệt (SN 1989), tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Mầm non và được nhận về công tác tại trường Mầm non Quang Trung - Quận Hà Đông, TP Hà Nội từ tháng 8 năm 2010.
Là cô giáo trẻ mới bước vào nghề khi vừa bước sang tuổi 21, nào ngờ một vụ tai nạn đã đảo lộn hoàn toàn mọi ước mơ. Chỉ trong phút chốc mọi đau thương ập đến đã cướp đi tương lai tươi sáng của cô giáo trẻ.
Còn nhớ, ngày 01/ 01/2010, trên đường về vui Tết dương lịch cùng gia đình, cô Nguyệt không may bị tại nạn giao thông, người đâm vào cô đã bỏ chạy. Khi đưa vào bệnh viện Việt Đức, Nguyệt bị hôn mê sâu, chấn thương sọ não. Thoát chết, nhưng kể từ đó Nguyệt nằm liệt giường, sống đời sống thực vật.
Bố mẹ của Nguyệt làm nông nghiệp, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để lo lắng cho 3 chị em ăn học. Khi nghe tin con gái lớn bị tai nạn, người bố đã phải bán đi những gì có thể trong nhà, kể cả con trâu, con vật đã cùng người bố đi cầy thuê, cuốc mướn nuôi cả gia đình.
Tưởng rằng đứa con gái lớn đi làm sẽ giúp gia đình bớt khó khăn, ai ngờ tại nạn đau thương đã khiến cho gia đình em khó khăn chồng chất khó khăn. Thời gian dài điều trị ở khắp các bệnh viện đã làm cho nguồn lực kinh tế gia đình em dần cạn kiệt.
Cứ gom góp được chút tiền, gia đình lại đưa cô đi chữa trị với hy vọng con lành bệnh nhưng điều đó mãi vẫn không thành hiện thực với gia đình Nguyệt.
Ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, gia đình đành xin bệnh viện cho Nguyệt về nhà chăm sóc. Từ đó đến nay, đã 5 năm cô giáo Nguyệt sống trong cảnh người thực vật, ăn uống qua đường xông. Cô chỉ nhìn thấy ánh sáng qua khung cửa sổ chứ không thể nào rời căn buồng chật chội. Mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, ăn uống, tiểu giải của chị hàng ngày đều phải nhờ vào tay cha, mẹ già thay phiên nhau chăm sóc.
Được biết, bệnh tình của Nguyệt ngày một nặng. Gia đình rất muốn đưa cô đi khám, chữa bệnh thêm một lần nữa nhưng không có điều kiện nên cứ khất lần.
Để lo cho sinh hoạt gia đình, ông Lưu Văn Tuấn - bố cô Nguyệt ngoài công việc thời vụ thì ông làm thêm đủ thứ, đi chăn thêm đàn vịt và chăn trâu.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Lưu Văn Trịnh – Trưởng thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: Gia đình cô giáo Nguyệt hoàn cảnh hiện rất khó khăn. Nhà chỉ có 30m2, gia đình chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Ngoài cô giáo Nguyệt nằm một chỗ, bố mẹ cô còn phải chăm mẹ già. Chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện để cô hưởng chế độ người tàn tật nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với hoàn cảnh gia đình.
Chỉ thương ông bà Tuấn ở tuổi này, lẽ ra họ đã được con, cháu phụng dưỡng, cơm bưng nước rót thì đằng này chẳng dám ra khỏi nhà vì phải chăm sóc cho Nguyệt. Để giúp em có thêm nghị lực sống tiếp quãng đời còn lại và gia đình em bớt khó khăn rất mong các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo