Thị trường

Hoàng Anh Gia Lai nợ bao nhiêu ?

Nạn chây ì thuế vừa được làm rõ thì thông tin nợ ngân hàng tới trên 15.000 tỉ đồng lại khiến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nổi tiếng bất đắc dĩ.

Điều lạ là ngay sau thông tin nợ "sắp phá sản" được tung ra, cổ phiếu HAG đã tăng mạnh liên tục sáu phiên, từ ngày 3 - 10/5. Có gì uẩn khúc trong món nợ lớn nói trên và lòng tin kiên định của các nhà đầu tư với HAG?

 

Nợ bị đẩy lên hơn gấp đôi

 

Chỉ cách đây vài tháng, thời điểm cuối năm 2011, HAG được xếp một trong ba công ty có nguồn tiền mặt dồi dào nhất với trên 2.800 tỉ đồng trong tài khoản. Nhưng lúc này, cổ đông đang hoang mang trước thông tin tập đoàn nợ tới trên 15.000 tỉ đồng, bằng 63% tổng tài sản.



“Bị cạnh tranh không lành mạnh”

Từ đầu năm tới giờ, HAG đã "dính" hai vụ lùm xùm về tài chính với các thông tin bất lợi, theo ông vì sao?

Tôi cho rằng đây là do cạnh tranh không lành mạnh giữa các đối tác kinh doanh với nhau. Họ lợi dụng một số diễn đàn để tung tin bất lợi cho chúng tôi.

Ông có đoán được nguyên nhân?

Tôi không chắc chắn nhưng tôi suy đoán rằng, có thể chiến lược của chúng tôi ảnh hưởng tới họ. Như vụ hạ giá căn hộ chúng tôi vừa thực hiện. Với số lượng bất động sản mà chúng tôi có, việc hạ giá sẽ khiến thị trường hình thành một mức giá mới thấp hơn và điều này khiến nhiều người không hài lòng.

Trong đó có cả một vài chuyên gia, họ không cùng quyền lợi để cạnh tranh không lành mạnh với HAG, thưa ông?

Tôi chỉ có thể đoán, có thể họ chưa biết “đọc” báo cáo tài chính. Vì nếu hiểu mà vẫn nói là vi phạm đạo đức kinh doanh. Chúng tôi là công ty đại chúng với hơn 20.000 cổ đông. Những cổ đông nhỏ rất hoang mang. Trong trường hợp họ bán tháo cổ phiếu thì hậu quả rất lớn không chỉ cho công ty mà còn cho xã hội. Rất may là phần lớn cổ đông của HAG là những cổ đông lớn, chuyên nghiệp nên họ hiểu và tin vào công ty. Bằng chứng là ngay sau thông tin này, cổ phiếu HAG đã tăng liên tục 6 phiên liền.

 

Phía HAG khẳng định tài chính của họ hoàn toàn lành mạnh và khoản nợ thực tế chưa bằng 1/2 con số 15.000 tỉ đồng trong khi có chuyên gia kinh tế lại cho rằng, tỷ lệ nợ này "vượt quá tiêu chuẩn quốc tế và tiềm ẩn rủi ro cao", thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Sự thật về khoản nợ của HAG là câu hỏi lớn nhất của hơn 20.000 cổ đông của tập đoàn này tại thời điểm hiện tại.

 

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của HAG, đến cuối năm 2011, nợ phải trả của công ty là 15.600 tỉ đồng. Trong nợ phải trả bao gồm nợ "người mua trả tiền trước" (số tiền khách hàng ứng mua căn hộ của HAG) là 1.381 tỉ đồng, số nợ này HAG không có nghĩa vụ phải trả lại vì đến lúc bàn giao căn hộ, khách hàng sẽ tiếp tục đóng nốt phần còn lại. Hay số nợ "phải trả cho người bán" là 796 tỉ đồng.

 

Đây là số tiền thanh toán cho nhà thầu, HAG đã ứng trước cho họ 2.000 tỉ nên chỉ chờ quyết toán. Tương tự, khoản nợ thuế phải nộp là 747 tỉ đồng, HAG cũng đã nộp xong. Còn với khoản nợ "phải trả khác" là 1.000 tỉ đồng thì HAG cũng có "các khoản thu khác" tương đương với 1.000 tỉ đồng... Các khoản này HAG không có nghĩa vụ phải thanh toán nên số nợ còn lại là 11.628 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAG, đã nói đến nợ là nợ thuần.

 

Nghĩa là phải trừ số tiền mặt hiện có của công ty gần 3.000 tỉ đồng và 2.300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) nên "số nợ hợp nhất chính thức của HAG là 6.435 tỉ đồng, tương đương với 25% tổng tài sản chứ không phải 15.000 tỉ đồng như thông tin gần đây".

 

Như vậy có thể thấy mấu chốt của vấn đề nằm ở sự lập lờ trong việc công bố thông tin. Nếu chỉ nói đơn thuần HAG nợ trên 15.000 tỉ đồng với tỷ lệ nợ lên tới 63% tổng tài sản, hầu hết mọi người đều hiểu, đó là nợ ngân hàng và thấy rủi ro cao.

 

Nhưng nếu nói đúng bản chất là "nợ phải thu" thì có nhiều khoản công ty không phải trả lại, công ty đã thanh toán, nguồn tiền mặt... như phân tích trên, con số chính xác thấp hơn rất nhiều.

 

HAG có còn mạnh ?

 

Nợ thực tế chỉ khoảng 25% tổng tài sản nhưng những lùm xùm gần đây khiến không ít người đặt câu hỏi, HAG có còn "mạnh" trước những khó khăn kéo dài của nền kinh tế. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, mạnh hay yếu, không chỉ nói suông mà phải chứng minh bằng thực tế.

 

Với khoản nợ 6.435 tỉ đồng, từ nay đến giữa năm 2013, HAG có thể thu về 8.460 tỉ đồng bao gồm 2.440 tỉ đồng là tiền bán nhà. Khoản này là chắc chắn vì khách hàng đã trả 70%, chỉ còn 30% nữa là nhận nhà thì "chẳng ai dại gì bỏ".

 

Một khoản thu ngắn hạn 4.420 tỉ đồng chủ yếu căn hộ đã hoàn thiện với chi phí đầu tư chỉ 7 triệu đồng/m2. "Tất cả những điều này đều được thể hiện rất rõ trên báo cáo tài chính. Điều đó cho thấy, tài chính của chúng tôi không có vấn đề gì, thậm chí rất mạnh" - ông Đức nói.

 

Cũng theo ông Đức, nếu tính theo giá trị hiện tại, tổng tài sản của công ty cao gấp ba lần so với báo cáo tài chính do đầu tư sớm vào nhiều lĩnh vực. Đơn cử, suất đầu tư 1 MW thủy điện hiện nay từ 25 tỉ đồng - 33 tỉ đồng nhưng trước đó, HAG chỉ mất 17 tỉ đồng/MW.

 

Hiện HAG có tổng số 420 MW. Tương tự, trên 50.000 ha cao su của HAG được đầu tư với giá 5.000 USD/ha trong khi các công ty hiện phải trả gấp đôi, 10.000 USD/ha.

 

Minh chứng rõ ràng nhất là trong lĩnh vực bất động sản, dự án Minh Tuấn (Q.9, TP.HCM) của HAG đang bán với giá 12 triệu đồng/m2 được tập đoàn mua cách đây sáu năm với giá 2 triệu đồng/m2. Hay với dự án tại số 1 Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng), công ty mua cách đây 10 năm với giá 3 triệu đồng/m2 thì giá hiện tại đã cả 100 triệu đồng/m2.

 

Với những minh chứng trên, ông Đức khẳng định, tổng tài sản thực tế của công ty lên tới trên 60.000 tỉ đồng.

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo