Xã hội

Hoàng Xuân Vinh đạt huy chương vàng Olympic từng 2 lần mồ côi mẹ

(DNVN) - Ngày 7/8, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã ghi dấu lịch sử nước nhà với tấm huy chương vàng nội dung 10m súng ngắn hơi nam với điểm số kỷ lục 202,5.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sinh năm 1974 tại quê ngoại Sơn Tây, Hà Tây (cũ). Năm anh lên ba tuổi, mẹ mắc bệnh nan y qua đời. Sau biến cố đó, anh cùng người em một tuổi được bố đưa về sống trong một căn hộ nhỏ trên phố Thuỵ Khuê, Hà Nội.

Hết tang, bố Xuân Vinh đi thêm bước nữa. May mắn anh được người mẹ thứ hai hết lòng thương yêu, gia đình nhờ đó cũng êm ấm. Nhưng rồi, ngay trước thời điểm Xuân Vinh lập gia đình, bà mắc bệnh ung thư và qua đời. Xạ thủ sinh năm 1974 bảo anh “mồ côi mẹ tới hai lần”.  Báo Vnexpress thông tin.

Hoàng Xuân Vinh (giữa) vượt qua đối thủ chủ nhà Wu (trái) và Pang Wei của Trung Quốc để giành HC vàng. Ảnh: Quang Dũng/VNE.

Còn về nghiệp bắn súng, Hoàng Xuân Vinh cho rằng đó là cái duyên tiền định. Từ bé xạ thủ số một Việt Nam đã có ước mơ được nối nghiệp nhà binh của bố. Vì vậy năm 1991 anh quyết định nhập ngũ rồi thi vào trường sỹ quan công binh.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi được giao chỉ huy một đơn vị tại Lữ đoàn công binh 239 ở Thường Tín. Chính tại nơi đây tôi đã bén duyên với bắn súng. Là sỹ quan nên tôi thường xuyên tập bắn. Tôi bắn đủ các loại súng như CKC, K54, AK… Lãnh đạo đơn vị thấy tôi bắn tốt nên đưa vào đội để thi các giải phong trào. 

Năm 1998, nhờ thành tích xuất sắc tại giải bắn súng toàn quân, tôi được chọn vào đội bắn súng của quân đội, tới năm 2001 thì gia nhập đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, tới tận năm 2004 tôi mới coi bắn súng là nghề nghiệp cuộc đời, thực sự chuyên tâm và dốc sức cho nó”, Xuân Vinh kể lại.

Xuân Vinh thậm chí từng xác định theo nghiệp bắn súng là chấp nhận giảm tuổi thọ. Mỗi ngày, anh nâng súng khoảng 400 lần, phải nín thở bóp cò, nợ oxy, ảnh hưởng đến tim mạch. Thêm đó là tinh thần luôn căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, anh không hề tiếc nuối điều đó. Điều khiến xạ thủ vừa giành HC vàng Olympic 2016 trăn trở là việc anh đi tập huấn, thi đấu quanh năm, khiến vợ con chịu thiệt thòi.

“Cái mất lớn nhất khi tôi theo bắn súng đó là thời gian dành cho gia đình. Tôi mồ côi mẹ từ khi ba tuổi nên hiểu rõ con cái thiếu thốn tình cảm khổ sở thế nào. Tôi muốn dành cho con mình nhiều thời gian nhưng không thể. Là vận động viên, dự nhiều giải, tôi đi suốt, có khi cả vài tháng mới về nhà một lần. Có năm tôi đi thi đấu tới tận 14h chiều ngày 30 Tết mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Về tới nhà là 16h, tôi dội qua người chút rồi vội vàng đưa vợ con đi sắm cành đào, làm mâm ngũ quả”, Xuân Vinh kể.

 

Anh bảo tội nhất là vợ, phải vất vả một mình chăm lo cho gia đình. Anh đi thi đấu, giành vinh quang, lên báo, lên truyền hình nhưng người phụ nữ không cần những thứ đó, cái họ cần là một người đàn ông chia sẻ mọi việc trong cuộc sống.

Chị Phan Hương Giang (1976) vợ anh Hoàng Xuân Vinh đến giờ vẫn còn run run khi kể lại cảm giác xem chồng thi đấu trận chung kết. Thực ra chị Giang chỉ dám xem vào loạt đạn cuối, còn lại phải tắt ti vi vì quá căng thẳng. Báo Vietnamnet thông tin.

“Tôi vốn thần kinh thép vậy mà phải tắt ti vi không dám xem chồng thi đấu từ đầu. Một cuộc đấu kinh khủng không dành cho những người yếu tim. Phải đến loạt thứ 5 tôi mới bật ti vi lên xem, nhưng lại phải nhắm mắt ở viên cuối cùng. Khi mở mắt ra nhìn thấy chồng bắn được 10.7 điểm tôi đã hét lên khiến các con tỉnh giấc. Cảm xúc lúc đó thật sự khó tả. Anh Vinh giành nhiều chiến tích rồi, nhưng lần này là huy chương Olympic, lại phá kỷ lục Thế vận hội”, chị Giang kể lại.

Nhìn chồng trên bục trao huy chương hát quốc ca, trong lòng chị Giang cảm thấy thật vinh dự và tự hào. Chị Giang vẫn động viên chồng rằng: “Anh cứ cố gắng hết sức, làm việc hết khả năng, rồi cũng đến lúc ông trời thương”.

Chẳng là trong sự nghiệp của Hoàng Xuân Vinh, rất nhiều lần anh “cầm vàng lại để vàng rơi” ở những viên đạn cuối cùng. Xuân Vinh từng mất huy chương thế giới, ASIAD và Olympic, cũng vì những viên đạn vô duyên. Nhưng lần này thì đúng là ông trời đã mỉm cười với Xuân Vinh và gia đình của anh. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của xạ thủ Quân đội.

 

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo