Hoành tráng mà chi!
Nối gót nhiều địa phương khác, tỉnh Hải Dương vừa xin chủ trương của Chính phủ xây dựng trung tâm hành chính tập trung với vốn đầu tư dự kiến hơn 2.000 tỉ đồng.
Tất nhiên, phần lớn của số vốn này sẽ được chi từ ngân sách, ít nhất từ 1.000 tỉ đồng trở lên; phần còn lại được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có bán đất, bán trụ sở cũ. Về cơ bản là lấy từ công sản.
Trước đó, trung tâm hành chính đã xây của các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng... cũng đều “ngàn tỉ”; cá biệt như Khánh Hòa, vốn đầu tư dự kiến từ 5.000-7.000 tỉ đồng.
Mục đích quy hoạch và xây dựng do các tỉnh, thành này nêu ra đều giống nhau, đó là quy các sở, ngành về một mối để thuận tiện cho người dân đến liên hệ công việc, hiện đại hóa hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho địa phương.
Đó là lý thuyết, thực tế thì không hẳn như vậy. Ví dụ như Bình Dương, giữa cuối tháng 2 năm nay, tỉnh này đưa vào sử dụng trung tâm hành chính hiện đại nhất cả nước thì một tháng sau, kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố cho biết sau nhiều năm liên tiếp nằm trong tốp đầu, năm 2013, Bình Dương tụt xuống hạng... 30. Rõ là PCI không phụ thuộc vào mức độ hiện đại của các trụ sở hành chính, không bị chi phối bởi các yếu tố hình thức.
Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... dù sao cũng là những địa phương khấm khá; còn những tỉnh rất nghèo, như Lai Châu chẳng hạn, vẫn đã xây trung tâm hành chính hàng trăm tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang lập quy hoạch để triển khai xây dựng.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra từ phong trào xây dựng công sở tốn kém. Nguồn vốn từ đâu là câu hỏi lớn. Hiếm có địa phương huy động được vốn từ nguồn xã hội hóa; đại đa số bán - đổi đất hay trụ sở cũ nhưng khoản này không đủ, phải lạm vào ngân sách công. Mà nào phải toàn bộ trụ sở cũ đều đã xuống cấp đâu! Có nơi hệ thống cơ quan hành chính vẫn còn tinh tươm lắm. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhiều năm chưa thoát được gánh nặng nợ công và bội chi ngân sách, việc đua nhau xây dựng trung tâm hành chính như thế là có biểu hiện của sự lãng phí.
Thực trạng ấy còn vẽ lên một bức tranh tương phản nhức nhối khác. Đó là khắp nơi vẫn còn cảnh người dân nghèo đói, trẻ em thiếu cơm ăn áo mặc, học sinh phải băng sông bằng cáp treo để đến trường, bệnh nhân đành nằm ghép 2-3 người/giường... Những cơ ngơi quá đồ sộ mọc lên ngày càng nhiều giữa không gian chung còn ngổn ngang bởi sự thiếu thốn trăm bề về vật chất và tinh thần là hoàn toàn không phù hợp, dễ tạo cảm giác xa cách, đại đa số người dân chắc chắn cảm thấy chạnh lòng.
Hướng tới một nền hành chính tiến bộ với trụ sở làm việc hiện đại, tiện lợi... là mục tiêu chính đáng. Tuy nhiên, hình thức chỉ là yếu tố thứ yếu, điều người dân cần hơn cả là năng lực giải quyết công việc và trách nhiệm phục vụ tận tâm của những người ngồi trong các tòa cao ốc uy nghi đó.
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
Cột tin quảng cáo