Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh bên lề Hội nghị RCEP
Trong khuôn khổ chuyến công tác Nhật Bản tham dự Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 5 các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) từ ngày 29/6 đến ngày 2/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có các cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) Nhật Bản Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko.
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng phụ trách CPTPP Toshimitsu Motegi hai bên đã thông báo cho nhau tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTTP tại mỗi nước. Bộ trưởng Motegi cho biết Nhật Bản vừa thông qua luật liên quan đến CPTTP và sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong nước để đi vào thực thi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Nhật Bản là một trong các nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định, thể hiện vai trò tích cực, đồng thời tạo động lực và tác động mạnh đến việc phê chuẩn Hiệp định tại các nước khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, chủ trương và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy nhanh tiến trình pháp lý để trình Quốc hội phê chuẩn hiệp định này tại kỳ họp sắp tới vào cuối năm.
Chia sẻ thông tin về việc mở rộng các thành viên CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh sự quan tâm của các đối tác đối với việc tham gia Hiệp định CPTPP và tiến trình xem xét việc gia nhập của các đối tác có quan tâm sẽ được tiến hành theo quy định của hiệp định sau khi hiệp định đi vào thực thi.
Trước mắt, các nước CPTPP cần ưu tiên thúc đẩy sớm phê chuẩn hiệp định đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng phát triển thương mại, đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định Việt Nam sẽ tổ chức thực thi cam kết hội nhập CPTPP hiệu quả nhất, trong đó ba nội dung mà Bộ Công Thương cần chú trọng là: thông tin tuyên truyền hiệp định đến mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ cơ quan chính phủ mà còn cần chú trọng đến các doanh nghiệp; tăng cường nâng cao năng lực, thể chế của các cơ quan chính phủ có nội dung cam kết trong CPTPP; hỗ trợ về mặt pháp lý, thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu biết hiệp định, có thể tận dụng mọi cơ hội từ hiệp định, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị xây dựng chương trình hợp tác giữa hai chính phủ để việc thực thi Hiệp định CPTPP đạt hiệu quả cao hơn. Bộ trưởng Motegi nhất trí với đề xuất này và tin tưởng, với kinh nghiệm của Nhật Bản và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành hai nước việc thực thi hiệp định sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao hỗ trợ của METI trong việc đôn đốc các đơn vị phía Nhật Bản triển khai Ý định thư (LOI) đã ký giữa hai Bộ trưởng vào tháng 9/2017.
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị METI hợp tác trong một số lĩnh vực như: công nghiệp, năng lượng, Hiệp định CPTPP, chế biến thực phẩm. Đáp lại các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Hiroshige Seko cho biết các nội dung hợp tác trong ý định thư mà hai bên ký kết cơ bản đã và đang được triển khai, một vài nội dung còn lại cũng đang được tiếp tục xem xét.
METI luôn quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như đào tạo nguồn nhân lực, kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển chuỗi công nghiệp chế biến.
Hai Bộ trưởng cũng cam kết nỗ lực hết sức để các thỏa thuận được triển khai hiệu quả, đi cùng với những sáng kiến hợp tác mới tiếp tục được đưa ra trong tương lai vì sự phát triển kinh tế của mỗi nước và khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững
Tài năng 'nhí' trượt băng tốc độ Bảo Chi làm đại sứ truyền thông Amazfit Active
Vốn FDI là cơ hội nhưng không phải động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình
Siêu lợi nhuận từ đa dạng hóa sản phẩm từ sen
Cơ cấu lại kinh tế vùng Đông Nam Bộ theo hướng hiện đại