Hoạt động của WTO năm 2012 và tham gia của Việt Nam
Năm 2012, sau 5 năm là thành viên chính thức của WTO, sự tham gia của Việt Nam có bước thay đổi tích cực, chủ động hơn. Việt Nam đã bước đầu tham gia đối thoại bình đẳng với các đối tác và phát huy tốt vai trò trong Nhóm lợi ích.
Một số kết quả chính như sau:
Công tác đàm phán trong khuôn khổ WTO
Năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã tổ chức nhiều đoàn đàm phán trong nước, tham gia khá tích cực phiên đàm phán đa phương của WTO.
Bước đầu, Việt Nam cũng đã có một số đóng góp có giá trị. Các chuyên gia đàm phán trong nước và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tích cực phối hợp, chuẩn bị phương án cho từng đợt đàm phán.
Tuy nhiên, trong xu thế chung, các đàm phán đa phương chưa thực sự mang lại kết quả như mong đợi. Đối với các đàm phán nhiều bên như đàm phán về mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin (ITA), đàm phán về Hiệp định Dịch vụ nhiều bên (ISA), Việt Nam chủ yếu nắm bắt các thông tin qua các kênh không chính thức và chưa sẵn sàng tham gia một cách đầy đủ.
Thực hiện công tác thường xuyên của WTO
Việt Nam đã thực hiện tốt hơn công tác về minh bạch hóa chính sách, cập nhật kịp thời hơn cho các thành viên WTO về thay đổi trong lĩnh vực cấp phép, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, trợ cấp, biểu thuế. Bên lề các cuộc họp ủy ban, chuyên gia Việt Nam đã tích cực giải tỏa nhiều quan ngại song phương quan trọng của một số nước như EU, Hoa Kỳ, Malaysia liên quan đến chính sách thương mại của Việt Nam. Theo dõi chặc chẽ tình hình thực thi cam kết của các thành viên, nhất là với các đối tác lớn.
Để chuẩn bị cho Phiên rà soát chính sách thương mại của Việt Nam lần đầu tiên trong năm 2013, từ giữa năm 2012, các cơ quan hữu quan trong nước đã phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký WTO để cung cấp các thông tin cần thiết. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng đã làm việc trực tiếp với các chuyên gia Ban thư ký WTO tại Việt Nam. Tháng 12/2012, Dự thảo đầu tiên về TPR đã được chuyển cho phía Việt Nam xem xét, bổ sung.
Về xử lý các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhiều lần tổ chức tham vấn chính thức và không chính thức nhằm ngăn cản việc áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng tôm.
Ngày 17/12/2012, Việt Nam đã chính thức yêu cầu WTO thành lập hội đồng xét xử, đòi hỏi Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp áp thuế chống phá giá không phù hợp với quy định của WTO. Để việc vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có hiệu quả, Việt Nam cũng chủ động trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia pháp lý, thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến các vấn đề trong tranh chấp thương mại giữa các thành viên WTO, nhất là trên các khía cạnh có liên quan đến Việt Nam như vấn đề trợ cấp, hạn chế xuất khẩu, phá giá, doanh nghiệp nhà nước;
Về đàm phán song phương trong khuôn khổ WTO, Việt Nam và Philippines đã hoàn tất cơ bản đàm phán về hạn ngạch nhập khẩu gạo. Đây là lần đầu tiên với tư cách thành viên WTO, nước ta có được sự bảo đảm chắc chắn về quyền tiếp cận thị trường gạo từ một thành viên WTO trong những năm sắp tới.
Năm 2012, Việt Nam cũng chính thức trở thành quan sát viên của Hiệp định Mua sắm của Chính phủ (GPA), một bước đi cần thiêt nhằm gắn kết hơn nữa chính sách sử dụng ngân sách công phù hợp với tập quán và thông lệ phổ biến trên thế giới.
Mở rộng quan hệ với các đối tác
Trong năm 2012, công tác xây dựng quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia, đối tác tiếp tục được quan tâm đặc biệt. Bên cạnh việc thiết lập quan hệ với các đối tác lớn trong WTO và các nước ASEAN, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia, củng cố một bước với các Nhóm lợi ích như Nhóm các người bạn của hệ thống (FOS), Nhóm các nước mới gia nhập WTO (RAM), Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns), Nhóm đang phát triển, Nhóm châu Á;
Trong đó, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ASEAN để tạo thế đàm phán tốt trong các phiên đa phương. Việt Nam cũng đang tăng cường có chiều sâu các mối quan hệ với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Thụy Sỹ như Trung tâm ITC, Trung tâm Phương Nam, Viện thương mại quốc tế (WTI), Trung tâm tư vấn luật của WTO (ACWL/WTO)…
Công Duy
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo