Học giả quốc tế: Việt Nam cần củng cố hồ sơ đưa ra Tòa Công lý quốc tế
Theo GS Franckx, để thượng tôn pháp luật quốc tế, việc cần làm ngay là củng cố hồ sơ, đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế. “Lịch sử nhân loại đã và đang ghi nhận, bên phi nghĩa cuối cùng thế nào cũng sẽ thất bại. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.
Giấy khai sinh ở Hoàng Sa
Một người am tường biển Đông, chuyên gia nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Australia GS Carlyle Thayer đã thẳng thắn cho rằng, sự thật lịch sử là Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo GS Carlyle Thayer, cho tới thời thực dân thì quần đảo Hoàng Sa không có người ở, không có giá trị kinh tế thực sự trừ một số khu vực đánh cá tạm thời và nguồn phân chim để sản xuất phân bón. Sự liên hệ của Trung Quốc đối với quần đảo này lúc có, lúc không và không liên tục.
Nói cách khác, yêu sách của Trung Quốc rằng ranh giới đất liền chưa bao giờ được xác đinh và được phân định qua lịch sử, trái ngược với quan điểm ranh giới trên biển của Trung Quốc luôn luôn được xác định và phân định rõ ràng. Điều này cho thấy mâu thuẫn rất cơ bản, không vững chắc trong lập trường của Trung Quốc.
Ngoài ra, GS Carlyle Thayer cũng cho rằng, sự thật lịch sử đó chính là Việt Nam đã sở hữu Hoàng Sa từ thế kỷ 17 và 18, lúc chúa Nguyễn ra lệnh cho các quan chức trong triều thu nạp thủy thủ cho từ 5 - 18 thuyền, tạo nên đội Hoàng Sa. Đội này hoạt động ở Hoàng Sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ và lấy hàng hóa từ các tàu bị chìm.
GS Carlyle Thayer phân tích một giai đoạn lịch sử rất nhạy cảm, đó là thời điểm năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chia cắt và sự mất đồng minh Mỹ của chế độ VNCH (quản lý Hoàng Sa thời đó) để nhảy vào xâm chiếm và tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. “Đó là sự chiếm đóng vô giá trị”.
Chính nghĩa - sự thật lịch sử càng được khẳng định trong cuộc triễn lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng sáng qua, với 200 tư liệu gồm các bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật…
Các học giả và chuyên gia nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng với những tư liệu lần đầu tiên được công bố. Đó là Hồ sơ đèn biển ở đảo Hoàng Sa; Giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy (SN 1939) trên đảo Hoàng Sa, Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942; Bản đồ Map of the coatstline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Anynam (1695).
Giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy năm 1939 trên đảo Hoàng Sa do gia đình ông Mai Xuân Phú, bà Mai Thị Phi và bà Mai Thị Phương (TP Hồ Chí Minh) hiến tặng tháng 8/2013. Giấy khai sinh ghi rõ bà Mai Kim Quy là con gái của ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng, nội trợ sinh lúc 15 giờ ngày 7/12/1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle), quần đảo Hoàng Sa. Có hai người làm chứng là bác sĩ Nguyễn Tăng Chuẩn và ông Đỗ Đức Mùi, Trưởng trạm vô tuyến của đảo. Giấy khai sinh được đơn vị hành chính Pháp tại nhóm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa, bảo hộ Vương quốc An Nam cấp ngày 28/6/1940, do phái viên hành chính ký tên và đóng dấu đỏ xác nhận.
Khi từ Hoàng Sa về đất liền, bà Quy sống ở Phú Thọ, đến năm 2 tuổi thì mất. Gia đình cho biết, ông Mai Xuân Tập được giao nhiệm vụ ra quần đảo Hoàng Sa làm công tác khí tượng khoảng năm 1937 (hoặc 1938) đến năm 1941, đưa vợ và hai con gái Mai Thị Phi, Mai Thị Phương đi cùng. Bởi trên quần đảo Hoàng Sa có rất nhiều rùa biển nên đã đặt tên con gái là Kim Quy để ghi nhớ.
Ngoài ra, Cuốn biên niên của Nha Khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942, liệt kê danh sách các trạm khí tượng, thể hiện các thông số về thời tiết do các trạm khí tượng đo đến ngày 31/12/1940, trong đó có trạm ở đảo Hoàng Sa (Pattle), trạm phụ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và trạm ở đảo Ba Bình (Itu-Aba) thuộc quần đảo Trường Sa cũng là một minh chứng lịch sử về quãng thời gian là chủ Hoàng Sa của Việt Nam. Bản đồ Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam (1695) từng lưu trữ tại Cơ quan lưu trữ quốc gia Hà Lan.
Bản đồ vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam. Đây là tấm bản đồ do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hà Lan từ 27/9 - 1/10/2011.
Thượng tôn pháp luật quốc tế
Các học giả quốc tế cho rằng, chính nghĩa của Việt Nam càng sáng rõ hơn khi Trung Quốc ngang ngược công bố chủ quyền, âm mưu thôn tính biển Đông thành “ao làng” của họ, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
“Chiêu thức mà Trung Quốc sử dụng với các bạn là làm càn, ỷ mạnh hiếp yếu. Bây giờ, ngoài việc làm càn thì họ không còn chiêu nào khác, họ không chấp nhận đưa vấn đề ra Tòa Công lý quốc tế (ICJ). Đó cũng chính là vấn đề mà Philippines đang gặp phải” - học giả Renato De Castro (Philippines) khẳng định.
PV thắc mắc với tướng Daniel Schaeffer (chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp) về chữ “chính nghĩa” mà GS Erik Franckx nói, tướng Schaeffer khẳng định: Trung Quốc không chỉ leo thang với Việt Nam mà là khu vực, thậm chí cả thế giới, thông qua âm mưu thôn tính biển Đông bằng cái gọi là “đường chín đoạn”.
Nói thẳng ra, khi một bên phi nghĩa, chắc chắn bên còn lại phải là chính nghĩa. Như vậy, vấn đề này bây giờ không chỉ là riêng Việt Nam mà là câu chuyện toàn cầu.
Dừng lại rất lâu trước những tư liệu, bản đồ mới được công bố tại triển lãm, GS Erik Franckx chia sẻ: Trên thực tế, những bản đồ chưa phải là giá trị pháp lý cuối cùng nếu không đi kèm với những bản ký kết quốc gia. Bản thân nó chỉ có giá trị pháp lý một phần nào đó. Nhưng cách mà các bạn làm lại rất có tính đấu tranh.
“Đó là cách tôn trọng quá khứ, hiểu về những gì đã qua và khắc ghi thêm lòng tự tôn về chủ quyền dân tộc và khẳng định trước công luận quốc tế về niềm tin đó” - ông nói. Theo GS Franckx, để thượng tôn pháp luật quốc tế, việc cần làm ngay là củng cố hồ sơ, đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế. “Lịch sử nhân loại đã và đang ghi nhận, bên phi nghĩa cuối cùng thế nào cũng sẽ thất bại. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.
Franckx cũng tin rằng, dẫu đâu đó, một vài cá nhân hoặc quốc gia nào đó vì lý do này hay khác, ủng hộ Trung Quốc, hoặc chưa thể hiện chính kiến của mình trước sự thật hiển nhiên, thì cũng chưa đáng quan ngại. “Vấn đề là, chúng ta có chính nghĩa, chúng ta phải nói sự thật cho cả thế giới biết, một cách đường đường chính chính, thông qua luật pháp quốc tế, để công luận quốc tế biết quan điểm của mình và khẳng định lãnh thổ của quốc gia mình.
Thách thức dĩ nhiên là có, nhất là lúc này, nhưng dù sao đây cũng là cơ hội trình bày quan điểm và để thuyết phục ý kiến công luận. Đây cũng là cách ứng xử văn minh, sử dụng biện pháp hòa bình theo những cơ chế đã được luật pháp quốc tế quy định và Công ước của Liên Hợp Quốc. Qua đó cũng vẫn có thể thúc đẩy hợp tác vì không phải dựa vào súng đạn hay những sức ép chính trị khác mà bằng lý luận dựa trên các cơ sở pháp lý” - GS Erik Franckx nói.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo