Tin tức - Sự kiện

Hội An cấm phong bì, ai tin ông Bí thư Nguyễn Sự?

Họ nói đúng cả đấy, mà sao tôi càng đọc thấy buồn, buồn vì ai đã để cho người dân mất lòng tin đến thế vào những việc làm đúng đắn?
 Hội An - thành phố du lịch nổi tiếng với con người chân chất, hiền hòa.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An vừa ký thông báo cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì của các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khi thực thi công vụ. Có người nói vui bảo ông Sự ơi, sao ông “nhà quê” thế, thời nay ai biếu xén phong bì nữa.
 
Ai chứ ông Nguyễn Sự thì tôi tin là ông ký cái Thông báo số 326-TB/TU của Thành ủy Hội An về việc “Tuyệt đối cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì của các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khi thực thi công vụ” với một thái độ thực tâm muốn làm điều tốt cho dân thật.
 
Ông Nguyễn Sự- người lãnh đạo hiếm hoi của thời buổi này còn giữ cái tinh thần “đức trị” và hơi có phần gia trưởng của quan lại phong kiến đời xưa, chẳng biết thế là tốt hay xấu, nhưng đó là người hiểu cặn kẽ đời sống người dân trên địa bàn mình quản lý. Đó là một con người đã nói là làm.
 
Ông Sự nói: “Cấm thẳng chứ không phải vận động “nói không”. Cán bộ công chức đâu phải là người làm thuê cho doanh nghiệp mà đi nhận tiền của họ? Trách nhiệm công chức là phục vụ dân, sao lại đi lấy tiền của dân? Cái bất thường đó lâu ngày biến thành cái bình thường, và do mình không làm quyết liệt nên biến thành thói quen”.
 
Nhưng dưới bài báo viết về cái Thông báo số 326 của Thành ủy Hội An đăng trên báo Thanh niên, tôi đọc thấy chỉ có ý kiến của bạn đọc chê cười, giễu cợt, mỉa mai ông Nguyễn Sự. Có người nói: “Thế hóa ra từ trước đến giờ không cấm thì công chức thoải mái nhận phong bì à?”, “Tiền chỉ bỏ trong vali, không bỏ trong phong bì nữa, xưa rồi”.
 
Họ nói đúng cả đấy, mà sao tôi càng đọc thấy buồn. Buồn vì ai đã để cho người dân mất lòng tin đến thế vào những việc làm đúng đắn? Ai đã khiến cho người dân, trước những nỗ lực “muốn lội ngược dòng tham nhũng” của quan chức một thành phố nhỏ, đã không còn thiết tha động viên khích lệ, mà chỉ nhìn nó không hơn không kém một trò hề?
 
Là bởi vì cái tệ nạn phải biếu xén, phải hối lộ mới xong việc đã ăn sâu vào tận gốc rễ nhiều mặt trong đời sống xã hội, khiến tất cả mọi người dân đều cảm thấy đó là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”. Thật là xót xa.
 
Chẳng có người nào lọt lòng mẹ ra đã biết luồn lách, khúm núm, biếu xén, biết chạy cửa sau để cho xong việc của mình. Những việc làm không đoan chính ấy, môi trường sống đã “huấn luyện”, rèn rũa anh ta.
 
Và chua xót làm sao khi mà người dân đã được “huấn luyện” một cách kỹ càng đến mức không còn có tinh thần phản kháng nữa, đến mức khi có một ông cán bộ tuyên bố cấm cấp dưới của mình nhận phong bì, thì họ bĩu môi khinh khi. Họ không tin, họ bảo ông Sự định cấm ai, cấm thế nào.
 
Tôi đâm lo cho ông Nguyễn Sự. Cái thành phố Hội An nhỏ bé xinh đẹp bên bờ sông Hoài còn chưa bị thương mại hóa cho đến hôm nay, còn có những vụ tận mắt tôi chứng kiến, hai người lỡ đụng phải nhau, một người bị đổ cả gánh mì ra đường, thay vì lao vào cắn cấu nhau, họ cùng nhau xúm vào quét tước, để cho đường sá người qua lại khỏi bẩn, cũng một phần nhờ có những người lãnh đạo còn biết giữ đạo làm người.
 
Thế mà giờ đây, đang yên đang lành lại đi tuyên chiến với nạn phong bì như thế, ông Sự có làm nổi không, có trụ nổi không hay rồi sẽ buông xuôi, sẽ nhận về thất bại và đương nhiên là mất uy tín.
 
Cái thành phố của ông nhỏ bé lắm, nó liệu có cưỡng lại được cái trào lưu mà một bộ phận những người có chức quyền đang dùng nó như một lợi thế để nhũng nhiễu, bắt người dân phải quỵ lụy mà làm tiền họ, đang xảy ra ở khắp nơi?
 
Mà ông Sự đúng là “nhà quê” thật. Giờ đây mấy cái phong bì thì thấm tháp vào đâu. Người ta ăn phần trăm dự án ngàn tỷ, ăn những tòa biệt thự, những khu đất vàng, ăn những tài khoản mở ở ngân hàng, ăn những suất học bổng hàng trăm ngàn đô cho con cái đi du học. Ai lại “nhà quê” đến mức đi dúi vào tay nhau những đồng bạc lẻ ở cái phong bì.
 
Tôi không biết ông Sự đã từng đọc câu chuyện về hòn đảo Utopia của ngài Thomas More- một nhà triết học xã hội, một luật sư người Anh nổi tiếng thời Phục Hưng hay chưa?
 
Câu chuyện về một hòn đảo nhỏ biệt lập và không tưởng ở vùng biển Đại Tây Dương, trên hòn đảo này có một cuộc sống biệt lập với thế giới, ở đó tồn tại một xã hội mơ ước, không có tư hữu, không phân chia giai cấp, giàu, nghèo, ai cũng lao động và ai cũng có cuộc sống hạnh phúc.
 
Với cái thông báo chống lại nạn phong bì này, phải chăng ông định biến Thành phố Hội An thành ốc đảo Utopia biệt lập, thành một câu chuyện “không tưởng” trong xã hội hôm nay? Người dân nào sẽ tin theo ông, cấp dưới nào sẽ ủng hộ ông, hay họ sẽ oán thán ông?
 
Utopia chưa bao giờ tồn tại, nó chỉ là một giấc mơ đẹp đẽ của con người. Nhưng tham nhũng, hối lộ thì không còn là một khái niệm mơ hồ mà đã trở thành căn bệnh ung thư trầm kha đủ sức tàn phá bất cứ quốc gia nào, cho dù nó hùng mạnh đến đâu.
 
Có ai bệnh tới mức ung thư rồi mà lại đem một giấc mơ, dù nó đẹp đẽ tới đâu để mà làm thuốc chữa bệnh được không, thưa bạn đọc?
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo