Tin tức - Sự kiện

Hỡi cô bán ngô bên đường

Những túp lều dựng tạm bán ngô ven Quốc lộ 32 thu hút cả nhiều chiếc ô tô sang trọng đỗ lại để được vào ăn bắp ngô luộc, uống ngụm nước ngô ngọt lịm. Đằng sau bắp ngô ngọt ấy là những giọt mồ hôi mặn đắng của người nông dân.

Ngọt ngào món quà quê dân dã

Khoảng 2 km Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội có đến gần trăm điểm bán ngô. Những người bán ngô ở khu vực này phần nhiều là người dân xã Đại Đồng – Thạch Thất – Hà Nội. Hầu hết họ đều là phụ nữ.

Ngô ở khu vực này được bán quanh năm. Khách ghé vào những túp lều dựng tạm làm điểm bán ngô thường là những người đi đường, đi chơi, đi công tác hoặc về quê… Tạm xa khói bụi và những toan tính trên đường, họ dừng lại ở những quán ngô luộc để tìm về một món quà quê dân dã

Ngô luộc ven đường hấp dẫn các bạn trẻ

Nồi ngô luộc nóng hổi hấp dẫn cả vào những ngày hè nóng nực. Hấp dẫn đến mức, nhiều người vẫn bước ra khỏi không khí mát lạnh của điều hòa trên ô tô, ghé qua quán ngô nhỏ xiêu vẹo bên đường để được thưởng thức món quà quê dân dã này. Vào ăn ngô ở đây, các vị khách còn được mời uống miễn phí những cốc nước ngô ngọt lịm. Mùa đông, những người bán ngô sẽ lấy nước ngô ngay từ nồi ngô luộc làm ấm lòng khách. Mùa hè, họ lại mời khách những cốc nước ngô để nguội, thêm vào đó vài viên đá mát lạnh.

Những cốc nước ngô ngọt được các chị mang ra mời khách

Anh Nguyễn Văn Minh, quê Phú Thọ chia sẻ: “Thỉnh thoảng trên đường từ quê đi Hà Nội, mình thường ghé vào đây ngồi ăn ngô luộc. Thích nhất là được uống nướng ngô miễn phí nữa. Có lúc, mình mua cả ngô sống về làm quà quê hoặc mua về luộc lên rồi cùng gia đình, bạn bè cùng thưởng thức tại nhà”.

Đằng sau nhưng bắp ngô ngọt…

Người bán ngô ở đoạn đường này đa phần đều là phụ nữ. Họ dựng lều bán ngô từ lúc trời còn tờ mờ sáng. Mùa hè nóng nực, mùa đông thì lạnh buốt thấu xương mà gần như ngày nào họ cũng ngồi ở điểm bán ngô của mình từ lúc trời còn tờ mờ sáng đến khi phố xá lên đèn.

Họ di chuyển đến điểm bán hàng bằng cách dùng xe máy được gắn cố định với một chiếc xe bò chứa ngô và tất cả những đồ nghề bán hàng: nào là xoong, củi, bạt che...

Một người phụ nữ bán ngô tên Hoa cho biết: Để chất được những xe ngô đầy đem đi bán, chồng chị phải đi chặt ngô cả buổi chiều. Đến sáng hôm sau dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, lắp xe rồi chở ra chợ cho chị bán.

Xe ngô chất đầy chuẩn bị cho một ngày bận rộn

Cả xe ngô nặng lắm, một mình chị không thể trở ra điểm bán ngô được. Ngoài việc chở ngô và các đồ dùng phục vụ cho buổi bán ngô, chồng chị Hoa còn giúp chị dựng một túp lều tạm để tránh mưa gió, nắng bụi… Gọi là lều cho gần nghĩa thôi chứ đó thực ra chỉ là một tấm bạt được căng lên, gắn cố định bởi chiếc cọc tre dựng tạm làm nơi bán hàng trên đường.

Sau khi dựng xong lều, nhóm bếp củi bắc nồi ngô lên luộc, công việc bán ngô của chị tưởng chừng chỉ đơn giản là ngồi và lấy bắp ngô nóng hổi từ trong xoong ra mời khách. Nhưng chị Hoa lúc nào cũng bận bịu, luôn chân luôn tay trong chiếc lều nhỏ của mình. Khi thì nhóm bếp luộc ngô, lúc thì bẻ ngô, vẽ ngô, khi lại gom lá ngô, râu ngô lại…

Bếp ngô luộc luôn sẵn sàng phục vụ người đi đường

Chị Hoa chia sẻ thêm: “Mùa đông chúng tôi làm cả ngô nướng và ngô luộc, còn mùa hè thì chỉ có luộc thôi. Ở đây chúng tôi bán cả ngô sữa tách sẵn cho nhà hàng hoặc những người làm xôi ngô với giá 20 nghìn đồng/1 kg. Những lúc không có khách tôi thường ngồi tách ngô lấy hạt đem bán”.

Bếp ngô luộc, ngô nướng mùa đông sưởi ấm cho người bán ngô nhưng mùa hè lại càng góp thêm làm cái nóng trở nên gay gắt hơn. Không có quạt điện, ngồi ngay cạnh ven đường quốc lộ, những người bán ngô ở đây chỉ có cách làm mát cho mình bằng chiếc nón hay chiếc quạt nan phe phẩy xua bớt đi sự oi nóng.

Mùa hè nóng nực, chiếc nón được dùng làm quạt phe phẩy, xua đi sự oi bức

Buổi trưa, cậu con trai năm nay mới lên 13 tuổi mang cơm ra cho chị. Thức ăn trong đó là vài cọng rau, khi thì có thêm miếng trứng hay miếng thịt, miếng đậu. Ăn vội cho xong bữa cơm trưa, chị lại tất bật với những công việc không tên, chăm sóc cho túp lều bán ngô xiêu vẹo của mình.

Ngô luộc ở đây có giá 4.000 đồng một bắp. Còn ngô sống mang về được bán với giá 3.500 đồng. Những khi ế hàng thì rẻ hơn họ cũng bán. Cả xe ngô chất đầy một ngày may mắn có đông khách thì thu nhập của chị Hoa cũng ngót nghét 400.000 đến 500.000 đồng, cũng có khi được nhiều hơn. Nhưng những ngày mưa hoặc ngày nắng quá to, có khi cả ngày dầm dề ngồi bán ngô cũng chỉ bán được vài bắp, thu nhập chẳng được là bao.

Khi ánh đèn đường phố thay thế cho những tia nắng cuối ngày, đó là lúc chị Hoa và “đồng nghiệp” xếp lại gọn gàng đồ đạc chất lên xe, về nhà chuẩn bị cho bữa cơm tối của gia đình.

Niềm hạnh phúc cuối ngày của người phụ nữ của thôn quê ấy là khi xe ngô đã vơi đi hết sau một ngày làm việc đầy khói bụi trên đường.

Không biết có mấy chị nghĩ, nghề mưu sinh mình còn đem cả hồn quê cho lữ khách qua đường, một khoảng lặng trên chặng đường cũng tất bật vì mưu sinh.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo