Hội đồng Bảo an LHQ vào cuộc, ra nghị quyết về thảm kịch MH17
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm nay (21.7) sẽ biểu quyết một nghị quyết yêu cầu phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine cho phép “tiếp cận đầy đủ và không hạn chế” vào hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay Malaysia MH17.
Nghị quyết, được Australia đề xuất với các nước như Mỹ, Pháp ủng hộ mạnh mẽ, sẽ được biểu quyết vào lúc 15h (giờ địa phương) ngày 21.7.
Nghị quyết yêu cầu ngừng ngay lập tức tất cả mọi hoạt động quân sự (bao gồm từ phía quân đội chính phủ Kiev lẫn các nhóm vũ trang ở Đông Ukraine) trong khu vực để đảm bảo an ninh và an toàn cho các hoạt động điều tra quốc tế nhằm làm sáng tỏ thảm kịch khiến 298 người thiệt mạng.
Nghị quyết kêu gọi, tất cả các nước và các bên trong khu vực phải hợp tác toàn diện trong cuộc điều tra quốc tế về thảm kịch MH17.
Nghị quyết cũng yêu cầu các nước phải tôn trọng các quy định an toàn hàng không dân dụng quốc tế "để ngăn chặn một sự cố tương tự như vậy lặp lại, đồng thời yêu cầu tất cả các nước và các bên phải kiềm chế hành động bạo lực nhắm vào các máy bay dân sự".
Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết để vô hiệu hóa nghị quyết về thảm kịch MH17 đang khiến nước này chịu nhiều áp lực.
Hiện nhiều lãnh đạo thế giới đang ra sức yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ảnh hưởng để yêu cầu quân ly khai trao trả thi thể các nạn nhân trong thảm kịch và cho phép tiếp cận không giới hạn vào hiện trường vụ tai nạn.
Nhiều nước châu Âu đe dọa có thể áp đặt trừng phạt bổ sung nhắm vào Nga sau thảm kịch.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 20.7 cáo buộc, bằng chứng trong thảm kịch MH17 chỉ rõ quân ly khai ở Đông Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa có nguồn gốc từ Nga để bắn rơi máy bay Malaysia.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: "Rõ ràng đây là một hệ thống được chuyển giao từ Nga sang tay các phần tử ly khai."
Ông Kerry cũng lên án, phiến quân ở Ukraine đang cản trở công việc điều tra và di chuyển thi thể của 298 nạn nhân để tiêu hủy các bằng chứng.
Trước đó nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18.7 đã dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không từ khu vực do phe ly khai ở miền Đông Ukraine kiểm soát.
Trong khi đó, Đại Sứ quán Mỹ tại Kiev ngày 20.7 cũng lên tiếng khẳng định, những đoạn ghi âm quân ly khai thân Nga thảo luận về việc họ bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia được Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) công bố, là xác thực.
Đại Sứ quán trên tuyên bố: “Dữ liệu âm thanh mà SBU cung cấp cho báo giới đã được các nhà phân tích của Cộng đồng Tình báo (Mỹ) đánh giá và xác nhận, đây đúng là những cuộc hội thoại giữa các thủ lĩnh phiến quân ly khai Đông Ukraine”.
Tuy nhiên, các chuyên gia của công ty Công nghệ mục tiêu Aimtech, trụ sở chính tại Moscow và các chi nhánh tại Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và một số quốc gia khác, đã nghiên cứu kỹ các đoạn ghi âm trên và đi đến kết luận rằng, nó là sản phẩm được cắt ghép từ nhiều cuộc hội thoại không liên quan đến nhau.
“Các đoạn ghi âm không phải là một file nguyên dạng, nó đã được đã được lắp ghép từ một số đoạn khác nhau", ông Nikolai Popov, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong lĩnh vực phân tích lời nói và âm thanh, làm việc tại công ty Aimtech, tuyên bố.
Chuyến bay MH17 của Malaysia từ Amsterdam đi Kuala Lumpur chở theo 298 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã bị rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17.7. Không ai sống sót trong thảm kịch này.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo