Hội nghị an ninh Munich: Hợp tác hay chia rẽ?
Một trong những thành quả mà Hội nghị an ninh Munich đạt được là thỏa thuận ngừng bắn ở Syria - một trong những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm ở quốc gia này. Thỏa thuận kêu gọi tạm thời ngừng giao tranh trong vòng một tuần, tiến hành viện trợ nhân đạo cho những người bị mắc kẹt giữa hai phía trong cuộc xung đột và nối lại các cuộc hòa đàm bị ngưng trệ ở Geneva vào cuối tháng này.
Việc các quốc gia “đối thủ” tham gia xây dựng thỏa thuận ngừng bắn giúp nhen nhóm hy vọng rằng nỗ lực này sẽ thành công và là dấu hiệu đầu tiên chấm dứt ác mộng chiến tranh ở Syria.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thỏa thuận ngừng bắn mà các cường quốc vừa đạt được sẽ khó có thể phát huy tác dụng trong bối cảnh mỗi cường quốc vẫn cố gắng bảo vệ quan điểm của mình trong cuộc nội chiến tại Syria.
Phần lớn hoài nghi về hiệu quả lệnh ngừng bắn xoay quanh những bất đồng lâu nay giữa Mỹ và Nga về những nhóm nào ở Syria bị coi là "khủng bố". Các quan chức Mỹ tố 70% các cuộc không kích của Nga nhằm vào những nhóm nổi dậy ôn hòa, nhưng Moscow bác bỏ và cho rằng tất cả các cuộc không kích đều nhằm vào những kẻ khủng bố.
Về thỏa thuận này, học giả Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London Emile Hokayem cảnh báo, đây là một thỏa thuận có nhiều lỗ hổng và rất mơ hồ, đạt được trong tình trạng khẩn cấp và không cho thấy bất kỳ xu hướng chính trị thực tế nào.
Trước các cáo buộc và yêu cầu Moscow dừng chiến dịch không kích, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, thế giới đã trượt vào một cuộc chiến tranh lạnh mới và nhấn mạnh, các bên cần xây dựng lòng tin. Ông Medvedev cho rằng, sự thiếu hợp tác đã đe dọa đưa Lục địa già trở về thời kỳ 40 năm trước, khi “một bức tường được dựng lên ở châu Âu”...
Căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên sau động thái phóng tên lửa mang vệ tinh mới nhất của Bình Nhưỡng cũng là một vấn đề được các quốc gia lưu tâm. Sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa, Hàn Quốc đã ngừng hoạt động tại khu công nghiệp chung Keasong - biểu tượng hợp tác duy nhất còn sót lại.
Đáp lại, Bình Nhưỡng tuyên bố, hành động này đồng nghĩa với một “tuyên bố chiến tranh”, đồng thời đóng băng tài sản các DN Hàn Quốc và trục xuất các công dân nước này. Bình Nhưỡng cũng vừa cắt đứt đường dây nóng liên lạc với Seoul. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ bắt đầu thảo luận với phía Mỹ vào đầu tuần tới về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ mới...
Tuy nhiên, các động thái cứng rắn giữa các bên chỉ khiến nhiều quốc gia thêm lo ngại về sự ổn định và hòa bình ở khu vực. Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin nói rằng, việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ mới sẽ không giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn có thể gây tác động tiêu cực cho việc ổn định và hòa bình ở khu vực này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo