Hội nghị ASEAN sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông
Nhưng họ không trông đợi sẽ có tiến triển nhanh chóng trong việc hình thành một bộ quy tắc ứng xử giữa khối này với Trung Quốc.
Bất đồng về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng Đông Nam Á đã khiến ASEAN, lần đầu tiên trong lịch sử, không đưa ra được một tuyên bố chung sau một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7 ở Campuchia.
Bế tắc được nhìn nhận rộng rãi là do sức ép từ phía Bắc Kinh.
Cuối tuần trước, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói " những dấu hiệu tốt" đang hé lộ từ cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và khối ASEAN về việc làm thế nào để soạn thảo một "bộ quy tắc ứng xử" nhằm giải quyết vấn đề.
Mặc dù ông Pitsuwan không trông đợi sẽ hoàn thành được điều gì trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á ở Phnom Penh vào ngày 15 tháng 11, ông nói ông mong có được những cuộc thảo luận "thẳng thắn" về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp.
Ông Ernie Bower, cố vấn cao cấp và giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, tán đồng rằng có rất ít cơ hội để bộ quy tắc ứng xử sẽ được ký kết tại hội nghị sắp tới. Nhưng ông Bower dự đoán Trung Quốc sẽ có lập trường bớt hung hăng hơn tại hội nghị thượng đỉnh.
Nhiều thành viên ASEAN quy lỗi cho Campuchia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch của khối, đã nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc hồi tháng 7 qua việc từ chối một đề nghị nhắc đến tranh chấp lãnh thổ với Bắc kinh trong tuyên bố được đề xuất của nhóm.
Ông Bower nói tất cả các bên phải nhận ra rằng nếu ASEAN không thể thảo luận, hoặc thậm chí là đề cập đến, các vấn đề an ninh quan trọng nhất của khu vực hiện giờ, thì ASEAN sẽ không còn mấy giá trị ở vai trò một tổ chức khu vực.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, nói Campuchia có nhiều khả năng sẽ buộc phải thảo luận về vấn đề an ninh ở Biển Đông vì nhiều lãnh đạo có uy thế sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, như tổng thống Barack Obama và thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda.
Nhưng ông Thayer nói Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực có khả năng sẽ thận trọng trong việc giáp mặt với Trung Quốc về vấn đề này.
Ông Thayer nói trong tương lai gần, việc đạt được tiến bộ về tranh chấp lãnh hải có thể có lợi cho Trung Quốc về mặt chính trị. Nhưng ông nói chung quy thì khó có thể đoán biết liệu Trung Quốc có sẵn lòng giải quyết vấn đề này hay không cho đến khi kết thúc tiến trình chuyển giao quyền lãnh đạo kéo dài hàng tháng trời, bắt đầu vào tuần này ở Bắc Kinh.
Hồng Lĩnh (Theo VOA)
End of content
Không có tin nào tiếp theo