Phân tích

Hội nhập AEC: Cơ hội để doanh nghiệp Việt tự đổi mới chính mình

(DNVN) - Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, một nền kinh tế cạnh tranh khi AEC hình thàh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tự đổi mới chính mình, nâng cao về nguồn lực con người, nguồn lực vốn, nguồn lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp.

Trả lời PV về tác động của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, dự kiến vào cuối năm 2015, nền kinh tế Việt Nam hứa hẹn có bước chuyển mình trước những cơ hội lớn với việc chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, đi liền với đó, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong chặng đường phía trước.

TS. Lê Đang Doanh - Nguyên viện trưởng CIEM.
TS. Lê Đang Doanh - Nguyên viện trưởng CIEM.

Theo ông Doanh, khi AEC ra đời sẽ là bước ngoặt, đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á. AEC được định hướng sẽ trở thành một khu vực kinh tế ổn định và là thị trường thống nhất của 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hóa, vốn, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong các nước với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng; các rào cản pháp lý về ngăn cản thương mại, thu hút đầu tư của một nước ASEAN này trên một nước ASEAN khác được dỡ bỏ, mang lại cơ hội lớn cho các nước ASEAN thông qua một thị trường rộng lớn và bình đẳng với 600 triệu dân và tổng GDP mỗi năm khoảng 3.000 tỷ USD.

"Khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia vào AEC, kinh tế của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5%, người tiêu dùng có cơ hội được dùng các loại hàng hóa tốt hơn, rẻ hơn, dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam hứa hẹn sẽ nhiều hơn. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn, có thể bán hàng sang các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước", ông Doanh phân tích.

Cũng theo ông Doanh, khi AEC ra đời, các thủ tục xuất, nhập khẩu cũng sẽ bớt rườm rà hơn và việc, tiến tới cho phép DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa sang các thị trường ASEAN. 

Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là thời điểm để các DN linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng tăng quy mô kinh tế không chỉ khối thị trường này mà còn với các thị trường khác; trong đó có các thị trường ASEAN đã ký các Hiệp định FTA như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand…

"Nếu trước đây, sản phẩm của doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu quanh quẩn chủ yếu ở các nước quen thuộc như Lào, Campuchia, Myanmar thì khi hội nhập, những thị trường mới sẽ đồng thời được mở ra như Indonessia, Thái Lan, Singapore và Malaysia... mà không phải chịu nhiều sức ép về luật và thuế. Đây chính là cơ hội. Và một nền kinh tế cạnh tranh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tự đổi mới chính mình, nâng cao về nguồn lực con người, nguồn lực vốn, nguồn lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên sức ép cạnh tranh mọi mặt sẽ ngày càng gay gắt và khốc liệt, nếu doanh nghiệp Việt không nắm bắt, khả năng bị đào thải sẽ là rất lớn", ông Doanh nhận định.

 

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, không có cách nào khác là Việt Nam phải thực sự nỗ lực để thích nghi. Để biến cơ hội thành hiện thực phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt qua những sóng gió lớn, để nâng cao vị thế của mình; cần phải có những cải cách triệt để, trong đó chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, tuyên truyền phố biến là yếu tố quan trọng và then chốt để phát triển bền vững. 

Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết về AEC, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... từ đó đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng DN phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp bởi nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới. Để được hưởng các ưu đãi trên thì hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ theo tỷ lệ được quy định với từng mặt hàng. 

Để có thể thích nghi được vào “sân chơi chung” AEC, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm ngay từ những tháng đầu năm 2015. Để tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách cho tất cả doanh nghiệp trong nước nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh.

Thách thức cạnh tranh

 TS. Lê Đăng Doanh cũng cho biết, khi AEC ra đời, dối với Việt Nam, những thách thức chủ yếu liên quan tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng kém phát triển so với các nước trong khu vực, bao gồm các yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, năng lượng) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính).

 

Sẽ có 5 thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao.

Theo ông Doanh, hiện nay, hàng Việt Nam khó cạnh tranh với mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… tại các nước ASEAN bởi cùng một chủng loại nhưng giá cả, mẫu mã hàng Trung Quốc, Thái Lan cạnh tranh tốt hơn. Khi AEC chính thức được hình thành, theo cam kết 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN sẽ được dỡ bỏ, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. Khi đó, không chỉ hàng hóa xuất khẩu đi mà ngay tại thị trường trong nước hàng Việt cũng khó cạnh tranh.

Chính vì thế, vị chuyên gia này cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, sản phẩm dịch vụ, đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong các nước ASEAN khác. Ngoài ra, các cam kết ngày càng cao về thực hiện lộ trình AEC, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu sẽ là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp về phòng vệ thương mại đang có xu hướng gia tăng.

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không chỉ nhỏ bé về quy mô vốn, lạc hậu về thiết bị, công nghệ mà cả năng suất lao động cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực... Đây là điều đáng lo ngại khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Khi AEC ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song, mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn lao động tại Lào và Campuchia, trong khi thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN. Chất lượng lao động còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp, phần lớn chưa qua đào tạo. Hiện chỉ có 18,38% lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động còn thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ...

 

"Khi AEC ra đời, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên. Cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi AEC hình thành. Nếu người lao động không nâng cao kỹ năng thì họ có thể mất việc ngay tại sân nhà", vị chuyên gia nhận định.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo