Thị trường

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhanh chân nắm bắt cơ hội!

(DNVN) - Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) vừa có chia sẻ về những cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Theo ông Tùng, sự ra đời của AEC sẽ mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, AEC là một thị trường chung rộng lớn với dân số trên 600 triệu người, tổng GDP hàng năm đạt gần 3.000 tỷ USD và tại đây, hàng rào thuế quan hầu như được hoàn toàn loại bỏ, các hàng rào phi thuế quan ngày càng hạn chế.

Việc hình thành kinh tế Cộng đồng ASEAN đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).
Ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).

"Hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu - EU). Tính đến tháng 9/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đạt 30,63 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước). Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hoá sang ASEAN đạt 13,64 tỷ USD, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước", ông Tùng phân tích.

Cũng theo ông Tùng, Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng là khu vực giao thoa của nhiều thoả thuận thương mại song phương và đa phương. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand hay Ấn Độ, thông qua các hiệp định thương mại đã có giữa ASEAN và các nước trên.

Bên cạnh đó, AEC cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. AEC thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn và lao động có tay nghề; tạo sự gắn kết chặt chẽ và hài hoà giữa các nhà sản xuất, giảm tối đa những cản trở cho các hoạt động sản xuất và giao dịch. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm được nguồn cung đầu vào với giá thành hợp lý, có thể tiếp cận các nguồn vốn đầu tư dồi dào và nhân công có năng suất lao động cao, chi phí phù hợp. Đây là những điều kiện thuận lợi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

"Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong ASEAN đang có sự dịch chuyển tích cực, cả về chất lượng và giá trị xuất khẩu", ông Tùng chia sẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cũng phân tích, ngoài những mặt hàng truyền thống là nguyên, nhiên liệu, mặt hàng sơ chế như dầu thô, gạo, cà phê và cao su, Việt Nam đã xuất khẩu được những mặt hàng có hàm lượng chế tác cao như các mặt hàng công nghiệp, máy tính, nông sản, thuỷ sản đã qua chế biến, hoá mỹ phẩm. AEC tạo thêm điều kiện để Việt Nam củng cố chiều hướng này.

 

Bên cạnh cơ hội, AEC cũng đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu và về thu hút đầu tư. Với một thị trường chung mở, những lợi thế về “sân nhà”, lao động giá rẻ hay bảo hộ chính phủ sẽ giảm nhiều.

Sức cạnh tranh của doanh nghiệp càng phụ thuộc nhiều hơn vào chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị, khả năng tự đổi mới và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, được tiếp thị tốt. Thành công của doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào sức cạnh tranh quốc gia, tức là sự ổn định chính trị và xã hội, nền kinh tế vĩ mô lành mạnh, quản trị công trong sạch và hiệu quả, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thời gian không còn nhiều

 Theo ông Tùng, sự chuẩn bị cho hội nhập AEC của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ còn lại vài tháng, sau một thời gian bị động, lúng túng thì hiện nay các DN đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu và chạy nước rút để kịp đón đầu những thách thức và cơ hội sắp tới. 

"Theo các DN, triển vọng thị trường AEC khá tốt. Cùng với đó là áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi AEC vận hành. Vì vậy, các DN đang nỗ lực phát triển thị trường bằng cách đầu tư sản phẩm mới và tăng cường liên kết phát triển hệ thống đặt hàng", ông Tùng chia sẻ. 
Theo đánh giá của ông Tùng, mặc dù thời hạn hình thành AEC sắp đến nhưng mức độ quan tâm, sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp còn hạn chế. 

 

"Các nước bạn đã triển khai và chuẩn bị từ lâu. Nói đúng hơn là AEC chỉ dành cho 4 nước còn lại là VN, Lào, Campuchia, và Myanmar, bởi vì 6 quốc gia trên đã cắt giảm thuế quan từ năm 1993 nên giờ họ đã biết nhau quá rõ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, 6 quốc gia cũ họ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho quá trình hội nhập sâu rộng này, đặc biệt là chiến lược thâm nhập vào 4 quốc gia mới, trong đó có VN. Điển hình như việc thâm nhập AEC đã được Thái Lan đưa vào chương trình nghị sự quốc gia từ 5 năm trước. Rất nhiều DN Thái Lan nhận thức về việc trở thành thành viên AEC nên đã định hướng, làm nhiều cách để tận dụng việc làm ăn của mình ở các nước ASEAN", ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cũng cho biết, riêng tại Việt Nam, có ít nhất 30 công ty Thái đang hoạt động, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như SCG, TCC, CP, BJC, TUF… DN các nước bạn đã nhận định rất rõ AEC sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. 

Vì vậy, DN cần đầu tư, tìm hiểu sự tác động của AEC đối với việc kinh doanh của mình để tìm ra chiến lược phù hợp, bán hàng không chỉ cho hơn 90 triệu dân VN mà cho cả 600 triệu dân trong khu vực. Thái Lan còn đẩy mạnh thành lập các trung tâm hợp tác với DN VN để tìm hiểu kỹ và thâm nhập sâu rộng vào thị trường VN. Đặc biệt, bên cạnh việc chuẩn bị tìm đường cho DN Thái đưa hàng hóa vào các quốc gia khác, Thái Lan cũng rất tích cực đặt ra các rào cản để bảo vệ DN và người lao động trong nước.

Ông Tùng cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để mỗi ngành, mỗi cấp và doanh nghiệp có lộ trình thực hiện. Trong đó, các chính sách đưa ra một mặt vừa thúc đẩy xuất khẩu song cũng phải đặt ra những rào cản để bảo vệ DN, hàng hóa và người lao động trong nước. Các hiệp hội DN cũng cần phải phổ biến cho DN hiểu những lợi thế và thách thức của DN. Đặc biệt là cơ hội để các DN VN có thể tiến sâu vào 3 nước ASEAN mới là Lào, Campuchia, Myanmar và cạnh tranh hàng hóa với các quốc gia phát triển còn lại ngay trên chính sân nhà của mình.

LANH CHANH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo