Hội nhập ASEAN - Doanh nghiệp hết thời "bình chân như vại"
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Những thách thức và cơ hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế ASEAN và xúc tiến thương mại thị trường trong nước". Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu và doanh nghiệp.
Thị trường rộng lớn
Tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Anh Thu - Phó Khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân, ĐHQGHN) đã cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Theo đó, năm 2015, cơ hội khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể tóm tắt trong 4 trụ cột chính đó là: Một thị trường và một cơ sở sản xuất chung; khu vực kinh tế cạnh tranh; phát triển kinh tế công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế khu vực dự kiến sẽ được nâng cao tính cạnh tranh, giúp ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn đồng thời là nhà xuất khẩu lớn của thế giới. Nếu được thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm vào khoảng 2.000 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu; và 8,5% kim ngạch nhập khẩu.
Trong thị trường chung AEC có 12 ngành công nghiệp được ưu tiên hội nhập gồm Sản phẩm từ nông nghiệp, hàng không (vận tải hàng không), ô tô, điện tử ASEAN, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may và may mặc, du lịch, các sản phẩm gỗ và dịch vụ logistics cũng như thực phẩm, nông lâm sản.
Xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường ASEAN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan đơn giản hơn đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng thế mạnh lớn hơn cả, thị trường ASEAN ít rủi ro, doanh nghiệp ít phải lo lắng về vấn đề lừa đảo, kiện tụng, ép giá...Sự tương đồng nhất định về thị hiếu người tiêu dùng cộng với vị trí địa lý gần nhau giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển so với các thị trường khác.
Các doanh nghiệp ASEAN sẽ có thêm lựa chọn trong việc tìm kiếm đầu vào nhập khẩu, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời tham gia nhiều và hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu từ nông nghiệp, tới công nghiệp, dịch vụ. Việc tận dụng thị trường này để xuất khẩu sang các nước đối tác ngoài khối như Mỹ, EU...thông qua việc chuyển tiếp hàng xuất khẩu sang nước thành viên được hưởng mức thuế suất thấp hơn..
Nhiều thách thức
Sự cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư..sẽ ngày càng gay gắt hơn, đó là điều đầu tiên doanh nghiệp cảm nhận thấy. Hơn thế nữa, tình trạng thiếu lao động lành nghề và thiếu kỹ năng là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong cạnh tranh và tận dụng cơ hội tự do hóa trong AEC. Tình trạng này đặc biệt trầm trọng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, trong các lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng, viễn thông, công nghệ thông tin và may mặc.
Một vấn đề doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu khi ra quyết định về địa điểm đầu tư chính là sự hài hòa về chính sách thuế trong ASEAN mà cụ thể là thuế doanh nghiệp. Ví dụ: Singapore (17%); Malaysia và Myanmar (25%); Philippines (30%); Việt Nam (22%); Thái Lan và Campuchia (20%); Lào (24%)...(khảo sát của Công ty KPMG năm 2014).
Thách thức đối với tiếp cận thông tin liên quan đến kinh doanh, đặc biệt là thông tin ở cấp độ khu vực đã được nhiều chuyên gia đánh giá là trở ngại chính với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thiếu hiểu biết và quan tâm về AEC chưa cao, cho thấy các doanh nghiệp chưa nhìn thấy giá trị của cơ hội mà AEC đem lại.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm gì?
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ. Các số liệu thống kê cho thấy có đến trên 90% các doanh nghiệp ở Việt Nam là ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.Thời gian qua, số doanh nghiệp này đã rất chật vật để chống chọi với cơn bão khủng hoảng kinh tế nên không còn sức lực để quan tâm đến hội nhập.
Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp không lường trước những khó khăn khi Việt Nam mở cửa để có những chuẩn bị cần thiết và kịp thời cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội, vượt qua thử thách trong xu thế hội nhập.
Theo bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Trước cơ hội lớn đó, hội viên của Hội đã từng bước xem xét, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, dịch vụ; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu, nhu cầu của thị trường ASEAN.
Hội cũng đứng ra tổ chức cho các hội viên là doanh nghiệp xuất khẩu đi khảo sát các thị trường trong khối, đảm bảo sự chuẩn bị được kỹ càng, khi hội nhập là bắt tay làm luôn.
Hơn thế nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên làm tốt ngay trên sân nhà, tận dụng ưu thế để giữ thị trường trong nước. Thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cộng thêm lợi thế liên kết với hội nữ doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cũng không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường trong nước, phân phối trong ngay chính thị trường của mình để người tiêu dùng thấy hàng Việt Nam không thua kém.
Nói về sự hạn chế trong việc nhận thức trước hội nhập AEC, bà Thùy cho rằng: "Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều vì nghĩ nó mới quá, để từ từ rồi xem. Nhưng nghĩ thế thì không ổn".
"Các doanh nghiệp phải năng động, nhạy bén với thị trường và phải thay đổi tư duy trong hội nhập. Cần xem ASEAN là thị trường quan trọng không thua Mỹ, Nhật hay EU để vạch ra chiến lược kinh doanh thích hợp. Hội chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, mời doanh nghiệp tham gia, hiểu rõ cơ hội và khó khăn thách thức.
Tôi cho rằng Nhà nước cũng cần tổ chức nhiều chương trình, hội thảo để truyền tải thông tin hội nhập tới nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường trao đổi, đối thoại với các cơ quan chính phủ, hiệp hội để kịp nắm bắt những thông tin, chính sách đồng thời phản ánh những khó khăn trở ngại để các cơ quan chức năng kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tế", bà Thùy đưa ra ý kiến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo