Phân tích

Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức!

(DNVN) - Ngày 22/11/2015, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Sự kiện này chính thức công bố với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, một thành tựu to lớn của qúa trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN, giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức do quá trình hội nhập trong khu vực mang lại. Do vậy, để phát triển cần phải có những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập được với các nước trong khu vực.

Hội nhập ASEAN- Cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là: Cộng đồng Chính trị- An ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa- Xã hội (ASCC).

Hội nhập ASEAN, Việt Nam cần phải có những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa giáo dục nghề nghiệp hội nhập được với các nước trong khu vực cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Cộng đồng AEC bao gồm 10 quốc gia với hơn 620 triệu dân, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Trong đó, 3 quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70%  lao động trong ASEAN gồm: Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Theo dự báo của  Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.

Cộng đồng AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn về đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài.

Theo T.S Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề- Bộ Lao động thương binh& Xã hội: Việc lao động qua đào tạo được di chuyển tự do sẽ thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements – MRAs). Đến nay ASEAN đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực nghành nghề (tức  nghành nghề này được tự do di chuyển) gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, kế toán và du lịch. Cũng theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được di chuyển tự do hơn.Như vậy, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ có nhiều cơ hội để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển.

Theo TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề- Tổng cục dạy nghề: Người học có nhiều cơ hội hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập, bởi thị trường lao động không chỉ là thị trường trong nước mà còn cả thị trường rộng lớn trong khu vực ASEAN. Kèm theo đó, văn bằng chứng chỉ sau qúa trình đào tạo của người học cũng được công nhận ở các nước trong khu vực, tạo điều kiện để dễ dàng được công nhận bởi các nước khác trên thế giới.

"Ngoài ra Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, sẽ có thêm nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp", ông Hùng cho biết thêm.

 

Tuy nhiên, cơ hội sẽ chỉ là lý thuyết nếu không biết tận dụng, nắm bắt cơ hội , biến cơ hội thành thực tiễn. Cơ hội là vấn đề mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Vì vậy, việc biến cơ hội thành thực tiễn không phải muốn là được. Điều quan trọng để nắm bắt cơ hội là phải biết được thách thức, vượt qua được thử thách. Ông Hùng nhấn mạnh.

Hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam- Thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp

Là nước đứng thứ 3 trong cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động , một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lực lượng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh& Xã hội và Tổng cục thống kê, quy mô lực lượng lao động quý II năm 2015 đạt 53,71 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chiếm 20,6% .

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số nghành nghề cụ thể.

 

Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91; Ấn Độ, Malayxia và Thái  Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94.

Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thực hiện cũng cho thấy,doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề  và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào ngày 31/12/2015, gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần, cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng).

Cũng the dự báo của ILO, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào Xinhgapo, Malayxia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.

Bên cạnh chất lượng lao động, cơ cấu lao động của Việt Nam cũng nhiều bất cập lớn và có nguy cơ ngày càng gia tăng bất cập. Tính đến quý II/2015, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1đại học trở lên- 0,35 cao đẳng- 0,65 trung cấp- 0,4 sơ cấp. Trong khi đó theo quy luật, những người lao động trực tiếp (trình độ trung cấp, sơ cấp) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học).

Do tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp là lý do dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2014, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương và ở ASEAN chỉ bằng 1/15 so với Sinhgapo, bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 Thái Lan, chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Newzealand…là những đối tác có các hiệp định quan trọng với ASEAN.

 

Ngoài ra, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tạ các nước ASEAN chưa cao. Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao. Chỉ xét đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể cả các thành phố lớn, rất ít lao động của Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia…

Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0-9), thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Idonesia (5,79).

Nhưng hạn chế, những yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu  ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2015 Việt Nam xếp thứ 56/144 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng, so với năm 2014 đã tăng 12 bậc nhưng vẫn thấp sau Thái Lan, Philipine, Indonesia, Malaysia. Theo đánh giá, đào tạo và giáo dục đại học vẫn là những yếu tố yếu kém nhiều năm qua của Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy- Tổng cục dạy nghề cho biết: Có thể nói, những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam đang trở thành gánh nặng , thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp trong việc hội nhập Cộng đồng ASEAN, bởi chức năng, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia. 

Chính vì vậy, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp trong thời gian tới để hội nhập sâu rộng vào Cộng đồng ASEAN. Ông Giang nhấn mạnh.

 

Nên đọc
Anh Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo