Phân tích

Thị trường lao động và thách thức khi hội nhập AEC

(DNVN) - Còn ít ngày nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, theo đó các nước ASEAN sẽ cho phép tự do luân chuyển lao động. Đây vừa là thời cơ, nhưng cũng thách thức đối với lao động Việt Nam.

Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập sâu rộng, toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, đồng thời mở ra cơ hội thách thức đối với mọi thành viên đặc biệt trong lĩnh vực việc làm. 

Lao động Việt Nam cần bổ sung nhiều kỹ năng trước khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) .

AEC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng kinh tế ASEAN (cộng đồng kinh tế- an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa- xã hội). Cơ chế hợp tác có hiệu lực từ ngày 1/12/2015 với quy mô dân số trên 600 triệu dân và GDP khoảng 2.500 tỷ USD.

Với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dòng hàng hóa dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động sẽ di chuyển tự do giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN.  Trước mắt có 8 nghành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận tay nghề tương đương gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên nghành du lịch.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2014, gần 50% doanh nghiệp trong ASEAN rất có nhu cầu về lao động nghành nghề ( bất kể họ đến từ đâu), do lực lượng lao động phổ thông, thậm chí là cử nhân mà họ đang sử dụng chưa có được kỹ năng mà họ cần. 

Trên thực tế, từ năm 2005 tới năm 2012, các nước ASEAN đã ký nhiều thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs) liên quan tới 6 nghành, bao gồm kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, y khoa, nha khoa, du lịch. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng thỏa thuận chung về việc tạo điều kiện di chuyển lao động qua biên  giới.

 

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam tăng lên 14,5% vào năm 2025. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2014 số người lao động trong độ tuổi lao động của nước ta là 47,52 triệu  người, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30%  lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động  qua đào tạo nghề đạt 30%. 

Thị trường lao động dồi dào, nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng gia tăng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong bối cảnh tự do luân chuyển thị trường lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2014, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á.Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương.

Theo công bố của Tổ chức lao động Quốc tế thì năng suất lao động của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc là 10 lần. 

Nguyên nhân do công tác đào tạo không gắn với nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, năng suất lao động cũng phụ thuộc vào nhiều nhân tố nhỏ hơn nhưng rất quan trọng  như trình độ khéo léo, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố tác phong công nghiệp.  Từ năm 2008 trở lại đây, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại chỉ còn 3,3%. 

Thâm dụng nhân công giá rẻ với năng suất lao động thấp, tiêu biểu trong các nghành công nghiệp như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm …sẽ dẫn đến tình trạng nguồn lao động luôn biến động, chất lượng không cao, không có thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề.

 

Đối với các nghề cơ khí, điện tử, máy công nghiệp…thời gian đào tạo lâu hơn và lao động ổn định hơn do có thu nhập cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại khi tuyển dụng bởi các cơ sở đào tạo thiếu hệ thống máy móc, công nghệ đồng bộ để trang bị kỹ năng thực cho học viên.

Năng suất lao động thấp, thiếu lao động tay nghề, trình độ ngoại ngữ vá các kỹ năng mềm khác đang khiến lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập AEC.

Theo ông Tống Hải Nam- Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội: “Để có thể nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, nhất là khi Cộng đồng ASEAN được hình thành , điều quan trọng nhất là bản thân người lao động cần được trang bị về trình độ chuyên môn, kiến thức để người lao động di chuyển sang có thể hòa nhập ngay với xã hội và môi trường công việc.

Ông Tào Huy Bằng- Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh& Xã hội cho rằng: “Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, tập trung dự báo thị trường ngắn hạn và dài hạn, phát triển kết nối thị trường lao động ngoài nước phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động trong nước.

"Cùng với đó, Việt Nam cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp”.

 

Điều quan trọng không kém là, cần coi đầu tư đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, ưu tiên đầu tư cho từng chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, vùng, nghành, hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Ông Bằng nhấn mạnh.

TS Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển  TP,HCM thẳng thắn: Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu đội ngũ lao động trong nước cần cù, chịu khó, học hỏi, giá rẻ…trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa  bao giờ là ưu điểm. 
Khi hội nhập AEC, lao động 8 ngành nghề nói trên được tự do luân chuyển, cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng bị thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn ngoại ngữ, nếu người lao động không ý thức rõ “mối nguy” này sẽ bị  thua ngay trên sân nhà.

Bà Phạm Thị Việt Nga- Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang cho biết: “Để định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện của học sinh, người lao động...; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động thì nguồn nhân lực của Việt Nam mới hội nhập ASEAN một cách toàn diện theo cả bề rộng và chiều sâu”.

Anh Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo