Thị trường

Hôm nay (31/12), Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành

(DNVN) - Với tuyên bố ở Kuala Lumpur ngày 22/11, Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền Kinh tế các nước.

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community) kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người. AEC là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Ngày 22/11/2015, Văn kiện hình thành Cộng đồng ASEAN đã được các nguyên thủ quốc gia ký kết và trao cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN.

Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính gồm: 

Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.

Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.

Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới không bắt buộc của các nước ASEAN.

Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Hiệp định, Thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có).

Các cam kết hiện tại gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009; Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) 2009; Các FTA ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...

Về tự do hóa hàng hóa, trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết, cam kết về cắt giảm thuế quan trong ASEAN là cao nhất và nhanh nhất.

Về tự do hóa dịch vụ, các cam kết về dịch vụ trong ASEAN đều tương tự mức cam kết trong WTO, trong một số gói cam kết dịch vụ gần đây của ASEAN, mức độ cam kết đã bắt đầu cao hơn so với WTO nhưng không nhiều và cũng phù hợp với mức độ mở cửa thực tế về dịch vụ của Việt Nam.

 

Về tự do hóa đầu tư, các cam kết về đầu tư trong ASEAN toàn diện hơn trong WTO và các FTA đã ký của Việt Nam nhưng cũng phù hợp với các quy định về đầu tư trong pháp luật Việt Nam (việc thực thi các cam kết về đầu tư trong ASEAN không buộc Việt Nam phải sửa đổi pháp luật trong nước).

Gia nhập cộng đồng AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn, giúp tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước được hưởng lợi khi AEC có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức, rõ ràng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, cả về sản phẩm, thị trường, về nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi sự sẵn sàng của DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng hết cơ hội cho phát triển. 

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng rõ nét, từ 9 tỷ USD vào năm 2003 lên gần 18,47 tỷ USD vào năm 2013. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này là: nông sản, dầu thô, sắt thép, điện thoại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, xăng dầu các loại. 

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực này là: Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia. ASEAN là thị trường quan trọng với nhiều tiềm năng, đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và EU.

 

Nên đọc



VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo