Tin tức - Sự kiện

Hội thi tay nghề ASEAN: Cơ hội ở “sàn đấu lớn”

Sau 7 lần tham dự kỳ thi tay nghề Asean, Việt Nam hiện đang đứng vững trong top 4 quốc gia đứng đầu. Thực tế này cho thấy công tác dạy nghề Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu, rộng trong khu vực và thế giới. Tại kỳ thi lần thứ X dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 10.2014, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “thăng hạng” ở sàn đấu lớn.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội.

Ưu thế

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, kỳ thi tay nghề Asean dự kiến có 23 nghề, bao gồm: Lắp cáp mạng thông tin; cơ điện tử; thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD; giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; hàn; ốp lát tường và sàn; đường ống nước; điện tử; thiết kế trang web; lắp đặt điện; xâu gạch; mộc mỹ nghệ; mộc dân dụng; thiết kế các kiểu tóc; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ thời trang; công nghệ ôtô; nấu ăn; dịch vụ nhà hàng; điện lạnh; quản trị hệ thống mạng CNTT; thiết kế đồ họa; tự động hóa công nghiệp.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hình thành được đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi, dày dặn kinh nghiệm; lớp lao động trẻ có kỹ năng nghề cao ở các nghề tham dự thi đạt trình độ khu vực; một nhóm trường dạy nghề có kinh nghiệm trong việc tổ chức các khóa huấn luyện lao động trẻ có kỹ năng giỏi đạt thành tích cao tại các kỳ thi của khu vực. Bên canh đó, theo ông Lân, chúng ta đã hình thành phong trào dạy, học và rèn luyện kỹ năng nghề giỏi rộng khắp trong giới trẻ cả nước thể hiện qua các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, bộ ngành, địa phương và vùng miền đến các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới.

Tham gia Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ X với tư cách chủ nhà, thông qua công tác chuẩn bị và tổ chức huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề các cấp, một số trường dạy nghề đã cập nhật, trang bị một số thiết bị dạy học hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp; tổng hợp, chia sẻ, học hỏi được một số mô hình đào tạo hiện đại, phương pháp phát triển chương trình mới, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển dạy nghề tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Và những hạn chế

Nhận định thấu đáo những ưu thế, song Việt Nam cũng chỉ rõ những hạn chế trong “cuộc đấu” sắp tới tại đấu trường khu vực. Ông Sao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chỉ ra những hạn chế mà đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt, cụ thể: Năng lực ngoại ngữ yếu kém của đội ngũ chuyên gia huấn luyện và thí sinh là một hạn chế lớn trong việc phát huy tối đa năng lực thực hiện bài thi vào bảo vệ kết quả bài thi trong các kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế; chưa huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ cao, thiết bị đầu tư sản xuất, dịch vụ hiện đại tham gia vào quá trình tổ chức huấn luyện thí sinh chuẩn bị tham dự các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trong nước hiện chưa thu hút được các chuyên gia có chuyên môn giỏi, kỹ năng cao, ngoại ngữ thông thạo tham gia vào quá trình huấn luyện, đặc biệt là các chuyên gia đến từ doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có công nghệ, thiết bị cập nhật nhất hiện nay tham dự thi. Kinh phí huấn luyện và tham dự thi của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đầu tư thích đáng cho công tác huấn luyện. Chính sách sử dụng và đãi ngộ với các thí sinh giành giải cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới cũng còn nhiều bất cập làm giảm động lực dự thi của các thí sinh.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo