Hôm nay, thêm 10 luật chính thức có hiệu lực
* Gồm 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Luật quy định, mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Luật tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
* Được thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Luật Quảng cáo quy định, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thuốc kê đơn, súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao...
Luật cũng quy định người quảng cáo không chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện mà còn phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
* Tăng 2 chương, 14 điều so với luật hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) xác định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định...
* Vấn đề quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là nội dung được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật Giáo dục đại học. Liên quan tới kiểm soát chất lượng đào tạo, thay vì quy định chương trình khung như trước đây, luật quy định về chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu. Theo luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ...
* Trong Luật Bảo hiểm tiền gửi xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh...
* Với 5 chương, 50 điều, Luật Phòng, chống rửa tiền quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
* Một điểm mới đáng ghi nhận trong Luật Giá là quy định phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Điểm nổi bật, luật quy định giá những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đó cũng phải nhất quán theo nguyên tắc thị trường...
* Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, bổ sung 39 điều mới và sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật quy định trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định điều kiện của đơn vị thực hiện điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước...
* Luật Giám định tư pháp quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Luật quy định đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo...
* Với 5 chương, 41 điều, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Luật quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; chính sách của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chung cho công dân và cho một số đối tượng đặc thù...
Hồng Lĩnh (Theo Hà Nội Mới)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam