Hơn 100.000 doanh nghiệp "ra đời" trong 10 tháng đầu năm
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 10/2017, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.158 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 119.238 tỷ đồng, tăng 29,6% về số doanh nghiệp và tăng 48,0% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 10 đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 14,2% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 là 89.967 lao động, tăng 40,5% so với tháng trước.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2017, cả nước có 105.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.021.920 tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng qua là 976.420 lao động, giảm 8,0% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê, khi phân loại theo quy mô vốn đăng ký cho thấy trong 10 tháng đầu năm tất cả các quy mô vốn đăng ký đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: quy mô vốn đăng ký từ 10-20 tỷ đồng có tỷ lệ tăng lớn nhất là 34,4% với 4.913 doanh nghiệp; tiếp đến là từ 20-50 tỷ đồng có 2.593 doanh nghiệp, tăng 28,2%; trên 100 tỷ đồng có 1.199 doanh nghiệp, tăng 27,7%; từ 0-10 tỷ đồng có 95.385 doanh nghiệp, tăng 13,3% và từ 50-100 tỷ đồng có 1.035 doanh nghiệp, tăng 9,3%.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 90,7% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
So với cùng kỳ năm 2016, trong 10 tháng đầu năm nay xét về các chỉ tiêu gồm số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký thì chỉ có loại hình công ty hợp danh đều tăng ở cả 3 chỉ tiêu so với các loại hình còn lại; loại hình công ty TNHH 1 thành viên, loại hình công ty TNHH 2 thành viên và loại hình công ty cổ phần chỉ tăng về số lượng và số vốn đăng ký; duy nhất, loại hình doanh nghiệp tư nhân là giảm cả về số lượng, số vốn và số lao động đăng ký.
So sánh về việc gia tăng số lượng doanh nghiệp giữa các loại hình cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký mới tập trung chủ yếu ở loại hình công ty TNHH 1 thành viên với 60.361 doanh nghiệp, chiếm 57,42%; tiếp đến là loại hình công ty TNHH 2 thành viên có 24.628 doanh nghiệp, chiếm 23,43%; loại hình công ty cổ phần có 17.445 doanh nghiệp, chiếm 16,59%; loại hình doanh nghiệp tư nhân có 2.671 doanh nghiệp, chiếm 2,54%; loại hình công ty hợp danh có lượng doanh nghiệp đăng ký mới thấp nhất là 20 doanh nghiệp, chiếm 0,02%. Có thể thấy, loại hình công ty TNHH 1 thành viên đã góp phần gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp trong 10 tháng qua.
Về số vốn đăng ký, trong 10 tháng đầu năm nay, số vốn đăng ký mới tập trung cao ở loại hình công ty cổ phần là 487.685 tỷ đồng, chiếm 47,72%; tiếp đó là loại hình công ty TNHH 1 thành viên có 337.445 tỷ đồng, chiếm 33,02%; loại hình công ty TNHH 2 thành viên có 193.355 tỷ đồng, chiếm 18,92%; loại hình doanh nghiệp tư nhân có 3.357 tỷ đồng, chiếm 0,33% và loại hình công ty hợp danh có số vốn đăng ký mới thấp nhất so với các loại hình khác là 77 tỷ đồng, chiếm 0,01%. Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp trong 10 tháng qua cho thấy, loại hình công ty cổ phần chiếm tỷ trọng vốn đăng ký bình quân cao nhất đạt 28,0 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là loại hình công ty TNHH 2 thành viên đạt 7,9 tỷ đồng/doanh nghiệp; loại hình công ty TNHH 1 thành viên đạt 5,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; loại hình công ty hợp danh đạt 3,9 tỷ đồng/doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp tư nhân đạt 1,3 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Nếu so sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2017 với cùng kỳ năm ngoái phân theo lĩnh vực hoạt động cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng giảm ở số lao động đăng ký; ngành thông tin và truyền thông giảm ở số vốn đăng ký; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký; ngành vận tải kho bãi giảm cả về số lượng doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký. Các ngành còn lại đều tăng ở cả 3 chỉ tiêu là số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký.
Về số doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong 10 tháng qua lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy có 37.817 doanh nghiệp, chiếm 36,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 13.449 doanh nghiệp, chiếm 12,8%; Xây dựng có 13.338 doanh nghiệp, chiếm 12,7%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 7.832 doanh nghiệp, chiếm 7,5%;... Như vậy, ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước là 37.817 doanh nghiệp nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 62,5%.
Việc số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, vượt trên 100.000 doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm phản ánh kết quả của Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, và các Nghị quyết Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020; Nghị quyết 98/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo