Năm nay, sẽ có khoảng hơn 190.000 tấn vải thiều của cả 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang sẽ tập trung chín rộ vào tháng 6 và được đưa ra thị trường.
Mọi năm sản lượng vải thiều được tiêu thụ tại thị trường trong nước khoảng 60%, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam), còn xuất khẩu chiếm khoảng 40% sản lượng, trong đó xuất sang Trung Quốc khá lớn.
Vải thiều là một trong những sản phẩm nông sản nổi tiếng của Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao, được trồng nhiều nhất tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương với thời gian thu hoạch trong khoảng 2 tuần.
Do vậy, sản lượng đưa ra cùng lúc trên thị trường rất lớn trong thời gian ngắn khiến giá vải giảm nhanh. Bên cạnh đó, khâu bảo quản không tốt sẽ làm chất lượng quả giảm đi, khiến giá trị hao hụt và doanh thu giảm.
Đây là tình trạng diễn ra từ nhiều năm nay mà chưa có giải pháp hiệu quả cho mùa quả vải chín. Khiến thu nhập của người dân trồng vải không được cải thiện nhiều.
Trước tình hình này, để cứu đầu ra cho quả vải và không dồn ứ vào vài thị trường chính khiến vải mất giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị vùng Đông – Tây Nam Bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014” tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước.
Tại Hội nghị này, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương sẽ giới thiệu cho các đại biểu tham dự hội nghị về sản phẩm vải thiều của địa phương, kết nối cung cầu giữa các đầu mối thu mua với các đầu mối tiêu thụ vải thiều nhằm giúp tiêu thụ vải thiều đến mọi vùng, miền của tổ quốc, giúp cho người dân Việt Nam được sử dụng những quả vải tươi, chất lượng, giá cả hợp lý.
Trong đó, sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, phân phối, chế biến nông sản…, hợp tác xã chợ, Ban quản lý chợ, công ty kinh doanh chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thảo luận về các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác hợp tác đầu tư, sản xuất để tiêu thụ, công tác bảo quản, chế biến, công tác quản lý chất lượng vải thiều,.. và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Về kế hoạch dài hạn cho tiêu thụ nông sản trong đó có vải thiều, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình: Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; Đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Khu vực mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do – Liên minh hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan...
Xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Infonet