Hơn 20 năm ưu đãi, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn "giậm chân" ở lắp ráp
Sau hơn 20 năm hưởng ưu đãi của một ngành sản xuất mũi nhọn, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chỉ là ngành công nghiệp lắp ráp. Mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam vẫn chưa đạt được. Chất lượng xe còn thua kém các loại xe nhập khẩu cùng loại...
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương cho rằng, dù đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô; sản xuất ôtô của Việt Nam liên tục tăng, bình quân đạt 14,65%/năm; sản xuất xe trong nước đáp ứng 70% nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, công việc chính của ngành công nghiệp ôtô hiện nay vẫn là nhập khẩu linh kiện, lắp ráp và phân phối trên thị trường nội địa. Dây chuyền sản xuất chủ yếu cho 3 công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn, lắp ráp.
Tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 10%
Và trong toàn bộ linh kiện phụ tùng để sản xuất lắp ráp một chiếc ôtô thì chỉ có một số ít phụ tùng đơn giản được sản xuất trong nước: ắc quy, kính, gương... Tỷ lệ nội địa hoá thấp.
Xe tải nhẹ do công nghệ sản xuất đơn giản nên tỷ lệ nội địa hoá từ 20-70%. Xe cá nhân đến 9 chỗ mục tiêu đến 2005 là 40% nhưng hiện chỉ đạt bình quân 7-10%, thậm chí sản phẩm nội địa chỉ săm, lốp, ghế ngồi... Trong khi đó, bình quân của Asean là 65-70%, với Malaysia là 80-95%, Thái Lan 80%, Indonesia 60%.
Bất cập nữa của ngành công nghiệp ôtô hiện nay là giá xe ôtô của Việt Nam cao gấp 1,2 đến 1,8 lần giá xe của các nước trong khu vực và trên thế giới. Phân tích nguyên nhân này, TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách cho rằng, do giá bộ linh kiện đầu vào cao.
Hơn nữa quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, mức thuế chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong giá bán xe hiện nay ở Việt Nam cũng đẩy giá xe lên mức cao như hiện nay.
Một nguyên nhân nữa khiến thị trường ôtô chưa phát triển vượt trội, theo ông Lương Đức Toàn, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhìn nhận, là do quy mô thị trường ôtô của Việt Nam chưa đủ lớn. Phần lớn các nhà cung cấp linh kiện ôtô toàn cầu không thâm nhập vào thị trường do nhu cầu trong nước của Việt Nam hiện vẫn còn quá nhỏ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy rõ điều này. Tỷ lệ sở hữu ôtô ở Việt Nam còn ở mức rất thấp so với khu vực. Trong khi tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe ôtô ở Việt Nam chỉ khoảng 4-5%, con số này ở Philippines là 53%, Indonesia là 54% và Malaysia là 93%. Nếu tính bình quân giai đoạn 2007-2017, tăng trưởng tiêu thụ xe ôtô của Việt Nam đạt 7,4%/năm.
Số lượng xe tiêu thụ tăng từ 181.545 xe năm 2011 lên mức cao nhất 350 ngàn xe năm 2015 và giảm xuống còn gần 273 ngàn xe năm 2017, giảm 10% so với năm 2016. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước năm 2017 cũng giảm 19% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với 2016.
Theo đánh giá của Công ty khảo sát thị trường quốc tế BMI, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ôtô tiềm năng nhất thế giới, bởi hiện nay tỷ lệ sở hữu ôtô ở Việt Nam còn rất thấp (23 xe/1.000 dân), trong khi Thái Lan là 204/1.000 dân và tối thiểu là 400/1.000 dân tại các nước phát triển.
Cấp thiết tái cơ cấu công nghiệp ôtô
Do đó, để nắm bắt được thị trường tiềm năng của ngành ôtô, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, ông Khôi đề xuất, Bộ Công Thương cần tái cơ cấu lại ngành sản xuất ôtô trên cơ sở dự báo và xác định lại chuỗi giá trị của ngành, ưu tiên phát triển những khâu mà Việt Nam có lợi thế nhằm nắm bắt cơ hội phát triển.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ- đây được xem là nền tảng và là yêu cầu để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Với doanh nghiệp ôtô, cần phải nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển cho mình một cách cụ thể cả trong ngắn, trung và dài hạn trên cơ sở định hướng phát triển những sản phẩm tiềm năng mà doanh nghiệp có lợi thế.
Mặt khác, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ôtô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, cần điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư; áp dụng các chính sách về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô.
Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, để hỗ trợ công nghiệp ôtô Việt Nam trong thời gian tới, tháng 4/2017 Bộ Công Thương đã trình Chính phủ những nhóm giải pháp chính, mạnh mẽ. Đó là tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ôtô trong nước.
Trong đó khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước. Cùng đó, bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại.
Tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước với một số các sản phẩm ôtô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực.
Mặt khác, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực Asean.
Cùng với đó, là Nghị định 116/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô được hy vọng không chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, môi trường mà còn giúp ổn định và phát triển lành mạnh thị trường ôtô nội địa...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng không sốt nóng
Dự báo diễn biến thị trường bất động sản khi có bảng giá đất mới
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá